Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Bài học về phân loại và tái chế rác của người Đức

02/07/2018

     Trong khi Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm từ rác, thì Đức lại phải nhập khẩu rác. Hiện Đức là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ tái chế rác thải (tới 65%), nhiều hơn cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Đức, vấn đề xử lý rác được thực hiện hiệu quả nhờ áp dụng thành công hệ thống phân loại rác tại nguồn và công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại, đặc biệt là ý thức BVMT cao của người dân.

     Người dân Đức rất coi trọng việc phân loại rác và xem đó như một phần nghĩa vụ với môi trường. Họ phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”. Theo đó, đựng trong thùng màu nâu là các loại rác hữu cơ có thể phân hủy, như thức ăn thừa, rau hoa quả, vỏ trứng, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, lá cây rụng, cỏ… Rác thải thường không chứa chất độc hại, nhưng khó phân hủy, được đựng trong thùng màu đen như tàn thuốc lá, tro, đầu mẩu thuốc lá, mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da. Thùng rác màu vàng đựng các loại chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước. Thùng đựng rác giấy màu xanh da trời, có thể vứt các loại báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng. Riêng thùng thủy tinh để vứt chai, lọ là thùng to tròn màu xanh lá cây với nhiều ngăn, trong đó, chai, lọ thủy tinh bỏ vào một ngăn, còn các chai, lọ nhựa khác bỏ vào ngăn khác và không vứt các loại vỏ chai có thể tái sử dụng. Các thùng rác theo mã màu như vậy được đặt khắp mọi nơi, từ vỉa hè tới nhà ga tàu điện ngầm, các quảng trường của thị trấn, hoặc công viên công cộng, trường học, hay sân vận động... Trên thùng có hướng dẫn viết bằng tiếng Anh và tiếng Đức để giúp người nước ngoài dễ nhận biết và bỏ rác vào thùng đúng quy định.

     Ngoài ra, đối với các loại rác cồng kềnh, khó xử lý như đồ nội thất không được phép vứt bừa bãi, mà phải gọi cho công ty môi trường đến thu gom, tân trang và bán ở các khu chợ đồ cũ. Quy định ý nghĩa màu sắc thùng rác có thể khác nhau theo từng vùng ở Đức. Khi phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom, nếu các công ty môi trường phát hiện ra người nào vứt rác bừa bãi, có thể bị phạt tiền.

     Điểm mấu chốt của hệ thống “Green Dot” là các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả phí cho sản phẩm, sản phẩm càng có nhiều bao bì đóng gói thì mức phí sẽ càng cao. Nhờ quy định trên mà tỷ lệ giấy, bìa, thủy tinh, kim loại thải ra giảm đáng kể và phải tái chế ít hơn. Ngoài ra, từ năm 2015, Đức cũng áp dụng luật bắt buộc người dân phải thu gom rác hữu cơ để tái chế trong các nhà máy khí sinh học, hoặc dùng làm phân bón. Mỗi năm, Đức tái chế được khoảng 10 triệu tấn rác hữu cơ.

     Bên cạnh đó, việc tái chế rác ở Đức không chỉ giảm thiểu tác hại tới môi trường, mà còn giúp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Các nhà khoa học đã chứng minh, với mỗi lon nước được tái chế, tiết kiệm đến 95% năng lượng và nguyên liệu dùng để chế tạo ra một lon nước mới; mỗi tờ giấy được tái chế, sẽ bảo toàn được 50% lượng nước để chế tạo ra giấy mới.

 

Người dân Ðức phân loại rác thải vào những thùng có màu sắc khác nhau

 

     Nằm ở phía Nam bang Rheinland Pfalz, TP. Neustadt an der Weinstrasse có tỷ lệ tái chế cao nhất ở Đức. 70% rác thải của TP được tái chế mỗi năm, cao hơn 16% chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra. Đạt được điều này là do chính quyền địa phương đã áp dụng nguyên tắc “càng ít rác thải cần tiêu hủy, càng đỡ tốn kém”. Theo đó, 28.000 hộ dân ở Neustadt an der Weinstrasse lựa chọn thùng rác 60 l để chứa những rác thải không tái chế được. Các thùng rác này được đem đi đổ 2 tuần/lần và tốn khoảng 6,6 Euro (9,3 USD). Nếu hộ gia đình sử dụng thùng 40 l, thì chi phí là 5,3 Euro (7,5 USD). Ngược lại, nếu chọn thùng rác có dung tích 240 l, thì chi phí sẽ tăng lên 24 Euro (33,8 USD); hoặc 48 Euro (67,6 USD), nếu họ muốn được thu gom rác hàng tuần. Riêng việc tái chế, mỗi hộ gia đình phải phân loại rác thành 3 nhóm: Giấy/bìa các tông; thủy tinh và nhựa/kim loại/lon nước ngọt. Một số rác thải sẽ được cung cấp cho người làm vườn. Những thứ khác như pin, đồ chơi, gỗ, máy thu hình cũ, vật nuôi đã chết… sẽ được chuyển đến một kho tái chế đặc biệt. Ngoài ra, TP còn hợp tác với những khu vực lân cận để thành lập công ty xử lý chất thải. Nhờ đó, tỷ lệ rác thải lãng phí giảm đi đáng kể.

     Có thể nói, thành công của nước Đức trong phân loại và xử lý rác thải có được phần lớn là do làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Tất cả các bang, khu đô thị, dân cư đều có cơ quan, công ty tuyên truyền cho chương trình BVMT nói chung, đặc biệt là vấn đề thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng. Họ xây dựng những tài liệu, tư liệu giảng bài cho cộng đồng bằng nhiều hình thức: Sáng tạo ra thùng phân loại rác với màu sắc, ký hiệu rõ rệt, đẹp, hấp dẫn, dễ phân biệt; áp phích, tờ rơi, thùng, túi đựng các loại rác thải được trình bày tùy vào đối tượng tuyên truyền; sử dụng vật liệu chứa rác thải thu gom, phân loại theo mẫu mã, màu sắc, in chữ đồng nhất ở mỗi vùng, địa phương…

     Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức BVMT không chỉ hướng tới người trưởng thành, mà còn tập trung vào thế hệ trẻ, trong đó, trẻ em luôn được quan tâm đặc biệt. Nhiều năm qua, ngành giáo dục Đức đã chủ động lồng ghép vào chương trình học tập các bài về BVMT, nhằm nâng cao ý thức cho học sinh. Đài Truyền hình cũng thường xuyên phát sóng các bộ phim hoạt hình theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” sinh động, với chủ đề liên quan đến môi trường, dạy trẻ em có cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên. Cùng với đó, các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi hàng ngày đều phát sóng chương trình ca nhạc thiếu nhi với các sáng tác có nội dung vui nhộn, dễ nhớ, truyền tải thông điệp giữ gìn hòa bình, bảo vệ Trái đất xanh… 

     Đặc biệt, đường phố, bệnh viện, trường học, công sở, hoặc bất cứ nơi vui chơi, giải trí tại Đức đều dễ dàng tìm thấy các biển báo chỉ dẫn (thời gian đổ rác, cách phân loại rác, loại rác nào có thể tái chế...). Những biển báo như thế đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống thường ngày và góp phần tạo nên một xã hội có trật tự ở nơi đây.

     Chính ý thức tự giác và tinh thần cộng đồng của người dân được xây dựng nên từ hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, với định hướng chính xác là yếu tố giúp nước Đức luôn giữ được môi trường trong lành, sạch sẽ. Việc phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định đã trở thành một trong những quy tắc ứng xử văn minh của người Đức và là bài học quý báu cho nhiều quốc gia khác học tập.

 

Th.S Nguyễn Việt Cường

Nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn