Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Ô nhiễm không khí ở các thành phố châu Âu

28/03/2018

     Nhờ các chính sách hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và việc cải tiến công nghệ, chất lượng không khí của châu Âu đã được cải thiện đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, tại khu vực TP và các khu công nghiệp, nhiều người dân vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm không khí. Theo ước tính gần đây nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), bụi siêu mịn đã gây ra cái chết sớm của hơn 400.000 người châu Âu hàng năm. Những nguồn phát thải lớn nhất các chất gây ô nhiễm không khí bao gồm vận tải đường bộ, nông nghiệp, nhà máy điện, công nghiệp và hộ gia đình.

     Dựa trên số liệu chính thức từ hơn 2.500 trạm quan trắc trên khắp châu Âu, Báo cáo " Chất lượng không khí ở Châu Âu năm 2017" của EEA đã cập nhật tình hình chất lượng không khí trong khu vực dựa trên 5 chất ô nhiễm chính bao gồm: các chất dạng hạt (PM2,5 và PM10), tầng ôzôn (O3), nitơ điôxít, SO2, BaP (chất hữu cơ thơm đa vòng BenzoapBenzo(a)pyrene). Trong đó, các chất gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhất đến sức khỏe con người là:

  • Bụi siêu nhỏ PM2,5: Vào năm 2015, 7% dân số đô thị châu Âu đã bị phơi nhiễm với loại hạt mịn PM2,5trên mức giá trị giới hạn của châu Âu. Khoảng 82% dân số bị phơi nhiễm với các mức vượt quá mức khuyến cáo của WHO. Tiếp xúc với PM2,5đã gây ra cái chết của khoảng 428.000 người ở 41 nước châu Âu trong năm 2014.
  • NO2: 9% dân số đô thị châu Âu đã bị phơi nhiễm với mức NO2 vượt quá giá trị giới hạn hàng năm của EU và mức khuyến cáo của WHO vào năm 2015. Tiếp xúc với NO2 đã gây ra cái chết sớm của ước tính khoảng 78.000 người ở 41 nước châu Âu vào năm 2014.
  • O(gần mặt đất): 30% dân số đô thị ở châu Âu bị phơi nhiễm với mức O3 cao hơn mức tiêu chuẩn của EU vào năm 2015. Khoảng 95% đã bị phơi nhiễm với các mức vượt quá mức khuyến cáo của WHO. Tiếp xúc với O3 gây ra cái chết sớm của ước tính 14 400 người ở 41 nước châu Âu vào năm 2014.

 

Cần cải thiện chất lượng không khí nhằm nâng cao sức khỏe người dân ở các TP châu Âu

 

     Giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có hành động phối hợp ở nhiều cấp. Mới đây, EEA phối hợp với Ủy ban châu Âu đã đưa ra bộ Chỉ số chất lượng không khí của tất cả các TP và khu vực châu Âu. Dữ liệu được lấy từ hơn 2.000 trạm quan trắc và thường xuyên được cập nhập, thông tin đăng trực tuyến và công khai, toàn bộ người dân đều có thể tiếp cận và theo dõi. Qua đó, người dân có điều kiện kiểm tra, cập nhật chất lượng không khí tại địa phương, biết được môi trường sống của mình có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hay không; đồng thời có thể so sánh môi trường sống của mình với vùng lân cận, hoặc bất cứ khu vực nào thuộc châu Âu.

     Bên cạnh việc giám sát của cộng đồng, các biện pháp cắt giảm, hạn chế phát thải khí nhà kính là rất cần thiết. Cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm cao khỏi TP, phân vùng đô thị, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Do sự đa dạng của các nguồn phát thải, sự khác nhau về địa lý, kinh tế của từng khu vực, chính quyền các nước cần phải điều chỉnh linh hoạt các biện pháp sao cho phù hợp, phải cân nhắc đến các yếu tố con người, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế địa phương… Mặt khác, để có được các giải pháp toàn diện, bền vững, các địa phương, các quốc gia, các khu vực cũng cần hợp tác, chia sẻ tích cực về hiện trạng, giải pháp giải quyết hiện trạng ô nhiễm không khí.

 

Phạm Đình (Theo EEA)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

 

Ý kiến của bạn