20/01/2025
Đa dạng sinh học (ĐDSH) là sự phong phú của nhiều dạng, loài và các biến dị di truyền của mọi sinh vật trong đời sống tự nhiên. Sự đa dạng, phong phú này được chia làm nhiều cấp độ tổ chức sinh giới đặc biệt là với các dạng hệ sinh thái (HST) của môi trường trên Trái đất. Thuật ngữ ĐDSH cũng bao trùm mức độ biến đổi của thế giới tự nhiên, trong đó các sinh vật là đơn vị cấu thành. ĐDSH hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ HST quan trọng, bao gồm dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa, dịch vụ hỗ trợ [3]. Trong khi đó, tài chính ĐDSH lại đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn, sử dụng bền vững, phục hồi ĐDSH. Vì vậy, đánh giá nguồn tài chính cho ĐDSH, dịch vụ HST; xác định thách thức cũng như cơ hội sẽ góp phần huy động hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư công - tư nhân trong bảo tồn ĐDSH và các dịch vụ HST.
1. Giới thiệu
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự ĐDSH cao nhất thế giới, tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái ĐDSH, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả cộng đồng, bao gồm Nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy bảo tồn ĐDSH, bao gồm Luật ĐDSH năm 2008; Luật BVMT năm 2020; Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các chính sách này tập trung vào bảo vệ HST tự nhiên, các loài động thực vật quý hiếm và phát triển khu bảo tồn. Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) cũng được triển khai để tạo nguồn tài chính bền vững.
Nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định để bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ HST. Nguồn lực tài chính cho ĐDSH và dịch vụ HST có thể huy động từ ngân sách quốc gia, tài trợ quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, sự thiếu hụt tài chính và cơ chế quản lý chưa hiệu quả vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải đa dạng hóa nguồn lực. Việc tối ưu hóa các nguồn tài chính hiện có, đồng thời đẩy mạnh khai thác thêm nguồn mới sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động bảo tồn trong bối cảnh áp lực từ biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế.
2. Khái niệm về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái
ĐDSH có nghĩa là tính (đa dạng) biến thiên giữa các sinh vật sống của tất cả các nguồn, bao gồm các HST tiếp giáp, trên cạn, biển, các HST thuỷ vực khác và các tập hợp sinh thái mà chúng là một phần. Tính đa dạng này thể hiện ở trong mỗi bộ loài, giữa các loài và các hệ sinh học [1]. Sự đa dạng của sự sống có thể được đo lường ở ba cấp độ: Di truyền, loài và HST.
Trồng cây phát triển rừng ngập mặn tại Thừa Thiên - Huế
ĐDSH hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng, cho phép thiên nhiên phát triển, tạo ra một môi trường mà trong đó con người, cộng đồng, doanh nghiệp và nền kinh tế có thể làm việc hiệu quả, phát triển tốt. HST mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp, từ nguồn nước sạch mà chúng ta uống đến khả năng chống bão lũ, điều hòa khí hậu, cũng như cảnh đẹp do thiên nhiên mang lại. Đánh giá Thiên niên kỷ chia dịch vụ HST thành 4 loại: Dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa và dịch vụ hỗ trợ [3]. Các nhóm dịch vụ HST được mô tả trong Bảng 1.
Bảng 1. Các dịch vụ HST của đa dạng sinh học [3]
Dịch vụ HST |
Sự mô tả |
Các ví dụ |
Dịch vụ cung cấp hoặc dịch vụ vật chất |
Hàng hóa mà HST cung cấp |
- Các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật, rau, tảo. - Các loại sợi như bông, vải lanh, lụa, len. - Sản phẩm gỗ cần thiết cho các ngành công nghiệp khác nhau, như gỗ xây dựng, dăm gỗ cho ván, bột giấy... - Nhiên liệu, năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch (than, khí đốt, dầu mỏ) và/hoặc tài nguyên tái tạo. - Hóa chất cho dược phẩm và chất diệt khuẩn dùng trong y học, nông nghiệp. - Nguồn gen làm cơ sở cho sự đa dạng trong chọn tạo giống cây trồng và công nghệ sinh học. - Nước sạch cần thiết để duy trì sự trao đổi chất của con người và là nguồn tài nguyên tốt cho các ngành công nghiệp. |
Dịch vụ điều tiết |
Lợi ích mà con người thu được từ hoạt động điều tiết của HST |
- Duy trì chất lượng nước và không khí. - Điều tiết nước, giúp giảm thiểu hạn hán, lũ lụt. - Kiểm soát xói mòn (ví dụ, rừng ngập mặn và rạn san hô giúp bảo vệ bờ biển khỏi bị xói mòn bởi sóng hoặc bão). - Duy trì chất lượng đất. - Kiểm soát khí hậu, điều tiết thời tiết cực đoan; hấp thụ các-bon. - Điều tiết liên quan đến sức khỏe bệnh tật. Sự thay đổi HST ảnh hưởng đến sự phong phú của mầm bệnh và vật trung gian truyền bệnh cho con người. - Thụ phấn: Sự phát tán của hạt giống, sự phân bố, sự phong phú và hiệu quả của các loài thụ phấn phụ thuộc vào điều kiện HST. - Sản xuất, chuyển hóa, vận động chất dinh dưỡng.
|
Dịch vụ văn hóa hoặc phi vật chất |
Những lợi ích phi vật chất mà con người thu được thông qua sự làm giàu về tinh thần, phát triển nhận thức, suy nghĩ, sáng tạo, trải nghiệm về mỹ học |
- Du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái. - Giá trị thẩm mỹ. - Các giá trị di sản văn hóa. - Bảo tồn thiên nhiên mang lại cơ hội học tập, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tinh thần và phát triển nhận thức chung.
|
Dịch vụ hỗ trợ |
Cung cấp những hoạt động cần thiết cho tất cả các loại dịch vụ khác |
- Tạo ra sinh khối. Sản xuất sơ cấp tạo nên cơ sở của mạng lưới thức ăn cho tất cả những bậc sinh vật cao hơn. - Các chu kỳ tuần hoàn dinh dưỡng tạo nên cơ sở cho sự phát triển của thực vật và động vật. - Sản xuất ôxy trong khí quyển thông qua quá trình quang hợp. - Cung cấp môi trường sống có tác dụng lâu dài đối với sự đa dạng và phong phú của các loài - Sự hình thành đất. Những thay đổi ảnh hưởng gián tiếp đến con người thông qua tác động đến sản xuất lương thực. |
3. Hỗ trợ tài chính cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái
3.1. Tài chính cho đa dạng sinh học
Tài chính ĐDSH là một thuật ngữ được sử dụng gần đây để đề cập đến “chi tiêu đóng góp hoặc có ý định đóng góp vào việc bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi ĐDSH” [4]. Tài chính ĐDSH bao gồm tài chính công và tư. Một số công cụ tài chính phổ biến bao gồm chi tiêu trực tiếp của Chính phủ, trợ cấp, tài chính phát triển, hoán nợ thiên nhiên (debt-for-nature swaps); chi trả dịch vụ HST (PES); đầu tư tác động; hoạt động từ thiện và bồi hoàn ĐDSH [5]. Tài chính ĐDSH dưới dạng tài trợ của khu vực công từ ngân sách Chính phủ/tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, UNDP). Đầu tư của khu vực tư nhân thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hoặc đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến ĐDSH, dựa trên cơ chế thị trường (tín chỉ đa ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH); sử dụng công cụ tài chính (trái phiếu xanh, Quỹ tài chính bảo tồn); thông qua hoạt động từ thiện và quỹ.
3.2. Hỗ trợ tài chính cho đa dạng sinh học
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về tình hình tài trợ cho thiên nhiên [12], khu vực công và tư chi trả 154 tỷ USD hàng năm cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS). Các nguồn tài chính công chiếm 83% (khoảng 126 tỷ USD/năm) thông qua chi tiêu trong nước của Chính phủ và 2 tỷ USD/năm thông qua viện trợ phát triển chính thức (ODA). Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 17% ở mức 26 tỷ USD/năm.
Theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong giai đoạn từ năm 2015 - 2017, trung bình mỗi năm, khu vực tư nhân đã chi từ 6,6 - 13,6 tỷ USD cho công tác bảo tồn ĐDSH. Ước tính này được lấy từ nhiều nguồn tài chính, bao gồm bồi hoàn ĐDSH; hàng hóa bền vững; tài chính các-bon rừng; chi trả cho các dịch vụ HST; chi tiêu từ thiện và chi tiêu tư nhân cho ĐDSH, được huy động thông qua cơ cấu tài chính hỗn hợp [4].
Bảng 2: Tài chính tư nhân cho đa dạng sinh học [7]
Cơ chế tài chính |
Loại hình |
Cơ chế tài chính cho các dịch vụ phi vật chất (non-material services) |
|
Tài trợ cho các dịch vụ điều tiết của HST |
|
Tài chính xanh: Giảm thiểu mất ĐDSH và dịch vụ HST
|
|
3.3. Tín chỉ đa dạng sinh học
Tín chỉ ĐDSH là công cụ kinh tế có thể được sử dụng nhằm tài trợ cho việc bảo tồn ĐDSH, như bảo vệ/phục hồi các loài, HST hoặc môi trường sống tự nhiên thông qua việc tạo ra tín chỉ và bán các đơn vị tín chỉ về ĐDSH. Tín chỉ ĐDSH được tạo ra bởi những người bảo tồn ĐDSH và được mua bởi những người muốn đầu tư vào bảo tồn ĐDSH. Việc phát triển các tín chỉ ĐDSH mà những tín chỉ này có thể được đo lường, theo dõi, trao đổi, buôn bán, giúp tăng nguồn tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH. Tín chỉ ĐDSH có thể được sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư vào bảo tồn ĐDSH có lợi ích ròng về ĐDSH so với đường cơ sở đã có từ trước [6].
Tín chỉ ĐDSH đã bước đầu được thử nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới để huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho bảo tồn ĐDSH và dịch vụ HST. Mức chi trả cho ĐDSH có thể dựa trên diện tích HST được phục hồi hay việc cải thiện điều kiện của ĐDSH và HST.
Tại khu vực Malua biobank, Sabah, Malaixia, Công ty New Forest đã hợp tác với chính quyền địa phương ở Sabah để tạo ra một mô hình bền vững về mặt thương mại nhằm giúp khôi phục, bảo vệ 34.000 ha rừng bị khai thác trước đây, cung cấp một vùng đệm giữa rừng nhiệt đới nguyên sinh ở vùng đất thấp và các đồn điền trồng dầu cọ trong khu vực Malua Forest Reserve ở Sabah. Mỗi Chứng chỉ bảo tồn ĐDSH được bán với giá 10 đô la Mỹ đại diện cho 100 m2 rừng nhiệt đới đã được phục hồi, bảo vệ. Các chứng chỉ được ghi nhận trong một hệ thống đăng ký, bước đầu do 4 công ty dầu cọ Malaixia hỗ trợ. Việc thiết lập cơ chế tín chỉ ĐDSH do các công ty địa phương chi trả một cách tực nguyện.
Tại Ôxtrâylia, Chương trình Khung hạch toán cho thiên nhiên đã được áp dụng để đo lường các điều kiện môi trường, sức khỏe sinh thái cho các loại tài sản môi trường khác nhau (đất nông nghiệp, thảm thực vật bản địa, động vật) một khu vực dự án xác định. Việc áp dụng Khung hạch toán này thể đưa ra lộ trình chứng nhận cho các bên để tài khoản môi trường của họ được công nhận là “tự xác minh” hoặc được bên thứ ba “chứng nhận” để có thể đưa ra các yêu cầu về chi trả công khai cho tài khoản môi trường của họ.
4. tài chính cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái tại Việt Nam
4.1. Hỗ trợ tài chính cho đa dạng sinh học và dịch vụ sinh thái tại Việt Nam
Tài chính cho bảo tồn ĐDSH đã được đề cập tới trong nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam như Luật ĐDSH năm 2008; Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược phát triển ngành khác.
Theo Luật ĐDSH năm 2008, Chính phủ Việt Nam cam kết phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH từ các nguồn sau đây: (i) Ngân sách nhà nước; (ii) Đầu tư, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; (iii) Thu từ dịch vụ môi trường liên quan đến ĐDSH và nguồn khác theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 73). Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược là nghiên cứu, áp dụng cơ chế tài chính mới, đột phá để huy động nguồn lực cho bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và thông lệ quốc tế như: Cơ chế tín chỉ ĐDSH; cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; trái phiếu xanh; tín dụng xanh...
Về nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH, Chính phủ cũng đã dành 1% ngân sách chi tiêu hàng năm cho sự nghiệp BVMT, tuy nhiên, phân bổ ngân sách của Chính phủ cho ĐDSH được lồng ghép trong dòng ngân sách để BVMT. Ngoài ra, nguồn lực cho ĐDSH cũng có thể huy động từ một số nguồn khác như Quỹ BVMT; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Quỹ Phát triển cộng đồng. Ngoài ngân sách nhà nước đầu tư, một số cơ chế chính sách đã được ban hành và thực hiện hiệu quả tại Việt Nam nhằm tăng nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn như: Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); tài chính các-bon; Chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); bồi hoàn ĐDSH.
Cơ chế chi trả DVMTR với sự tham gia của chính quyền, khu vực tư nhân và người dân địa phương đã góp phần huy động nguồn lực đáng kể cho công tác bảo vệ rừng. Trong giai đoạn 2011- 2023, tổng số tiền DVMTR thu được trên toàn quốc thông qua các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (chưa bao gồm tiền DVMTR chi trả theo hình thức trực tiếp) là 26.402 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng số tiền thu được là 3.144 tỷ đồng [11]. Số tiền thu được từ chi trả DVMTR hiện nay đã cao hơn 1,7 lần so với tổng mức đầu tư từ ngân sách và bằng gần 30% tổng đầu tư của toàn xã hội vào ngành lâm nghiệp.
4.2. Thách thức trong việc huy động tài chính cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái
Tài chính cho ĐDSH và các dịch vụ HST đã được quan tâm trong thời gian qua, tuy nhiên tài chính tư nhân cho bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vẫn còn ở mức khiêm tốn. Mục tiêu Aichi của Công ước ĐDSH về huy động nguồn lực cho ĐDSH vẫn chưa đạt được [2].
Bên cạnh đó, các phép đo lường ĐDSH thường phức tạp; nhiều dự án ĐDSH thường có quy mô nhỏ, mang tính chất địa phương [10]. ĐDSH và các dịch vụ HST là hàng hóa công cộng; giá trị thực sự của ĐDSH chưa được phản ánh trong các giao dịch kinh tế. Một trong những thách thức chính trong tài chính ĐDSH là định giá chính xác các dịch vụ HST do ĐDSH cung cấp, chẳng hạn như dịch vụ lọc nước, điều hòa khí hậu hoặc thụ phấn. Vấn đề thiếu các công cụ chuẩn hóa để đo lường mức độ mất và tăng ĐDSH cản trở việc đầu tư dự án ở quy mô lớn.
Mùa cò về Vân Long
Ngoài ra, đầu tư cho ĐDSH hầu hết mới đang ở giai đoạn đầu, khó thu hút nhà đầu tư và khó nhân rộng [10]. Các khoản đầu tư liên quan đến ĐDSH, đặc biệt là trong bảo tồn hoặc phục hồi, có thể không mang lại lợi nhuận tài chính ngay lập tức, khiến đầu tư cho ĐDSH kém hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư tư nhân tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Không giống như giao dịch các-bon, vốn đã thiết lập được thị trường, phương pháp luận rõ ràng, tín chỉ và thị trường ĐDSH vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển.
4.3. Đề xuất, khuyến nghị
Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh-Montreal được thông qua vào tháng 12/2022, đang thúc đẩy tăng nguồn tài trợ cho việc bảo tồn ĐDSH với mục tiêu cụ thể như đảm bảo, tạo điều kiện để đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền và vùng nước nội địa; 30% vùng biển, ven biển, nhất là những khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với ĐDSH và chức năng dịch vụ HST được bảo tồn, quản lý hiệu quả.
Việc huy động nguồn lực ở quy mô lớn cho ĐDSH đòi hỏi một tập hợp các giải pháp tổng hợp liên quan đến nhiều bên tham gia khác nhau. Mọi nguồn lực cho ĐDSH cần được huy động từ khu vực công và tư nhân. Khu vực công cần đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cho ĐDSH. Huy động tài chính từ khu vực tư nhân hay sử dụng công cụ tài chính như tín dụng xanh, trái phiếu xanh có thể thúc đẩy tài chính cho ĐDSH tại Việt Nam. Tài chính ĐDSH thành công đòi hỏi sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương.
Tín chỉ ĐDSH đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, hiện chưa có thị trường vận hành đầy đủ để mua và bán tín chỉ. Do đó, trong tương lai gần, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chương trình Tín chỉ ĐDSH và đưa ra chính sách để hỗ trợ triển khai, nhân rộng chương trình này. Các tiêu chuẩn, quy tắc quốc gia cần được thiết lập để giám sát, báo cáo ĐDSH; hỗ trợ đăng ký, trao đổi tín chỉ. Chính phủ cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy mua tín chỉ theo quy định và kích thích nhu cầu mua từ các ngành công nghiệp. Ví dụ, ngành công nghiệp có thể được yêu cầu “mua” một tỷ lệ tín dụng nhất định mỗi năm.
Các khung tiêu chuẩn quốc tế như Khung Hạch toán kinh tế môi trường của Liên hợp quốc (SEEA) [9] hay Khung Hạch toán HST (EEA) [8] có thể sử dụng để đánh giá giá trị mang lại của ĐDSH và các dịch vụ HST, làm căn cứ để xác định mức chi trả, trao đổi tín chỉ ĐDSH.
Việc huy động tài chính tư nhân cho ĐDSH và dịch vụ HST sẽ giải quyết nguồn lực thiếu hụt về tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam bên cạnh nguồn lực tài chính từ phía Chính phủ. Các cơ chế như tín chỉ ĐDSH, hình thức trái phiếu bảo tồn động vật hoang dã, trái phiếu lâm nghiệp có thể được xem là những kênh thu hút tài chính chủ yếu. Bên cạnh cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, các cơ chế chi trả dịch vụ HST đất ngập nước hay HST biển cần được xem xét, thúc đẩy tại Việt Nam.
Kim Thị Thúy Ngọc, Lê Thị Lệ Quyên, Đặng Thị Phương Hà
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Lê Anh Vũ
Viện Hanns Seided Foundation Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2025)
TÀI LIỆU THAM KHẢO