21/08/2022
Ngày 18/8/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Tổ chức Winrock International, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch năm tài chính 2023 - Dự án Giảm thiểu ô nhiễm.
Quang cảnh Hội thảo
Dự án Giảm thiểu ô nhiễm chính thứ được khởi động từ tháng 6/2021 do Tổng cục Môi trường làm chủ Dự án, đối tác thực hiện chính là Tổ chức Winrock International, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có mục tiêu hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn tìm hiểu với việc xây dựng các chủ đề ô nhiễm cần can thiệp và bắt đầu chuyển sang giai đoạn lập kế hoạch và tổ chức hoạt động. Về kết quả bước đầu, Dự án đã tổ chức được 14 cuộc họp với các tổ chức phi Chính phủ địa phương; 4 cuộc họp với khu vực tư nhân; 3 hội thảo tham vấn, 205 đại biểu; Phân tích tình hình kinh tế chính trị; Xác định được phạm vi của sáu sáng kiến tác động tập thể. Kết quả quan trọng nhất là xác định được các chủ đề ưu tiên: Quản lý chất thải rắn (Rác thải nhựa và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Quản lý chất thải nhựa từ các cơ sở y tế); Ô nhiễm không khí (Ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải; Ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt mở); Không khí, nước (Giảm thiểu ô nhiễm từ các làng nghề); Dữ liệu báo cáo (Nền tảng minh bạch Dữ liệu môi trường (TEDP)).
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác BVMT đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT đã được hoàn thiện, trong đó Luật BVMT năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh những thành công đạt được, công tác BVMT nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm… Nhằm thúc đẩy các sáng kiến do địa phương dẫn dắt và nâng cao năng lực cho các đối tác và mạng lưới tại địa phương để giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường sử dụng phương pháp tiếp cận tác động tập thể, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Winrock International, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện Dự án Giảm thiểu ô nhiễm.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức hy vọng thông qua Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức xương sống và các tác nhân địa phương để thúc đẩy các sáng kiến tác động tập thể; Xác định được các cơ chế tài trợ bền vững để tăng cường hiệu quả lâu dài của các sáng kiến tác động tập thể. Đồng thời, xây dựng được các chính sách và hướng dẫn mới nhằm hỗ trợ Luật BVMT năm 2020 và tạo môi trường thuận lợi mạnh mẽ hơn để giải quyết các thách thức về ô nhiễm môi trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những hoạt động cần thực hiện trong năm tiêp theo, trong đó tập trung vào sáng kiến tác động tập thể “Doanh nghiệp, cộng đồng và người tiêu dùng tiên phong có trách nhiệm giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam”; Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế…
Hương Đỗ