08/11/2024
Ngày 7/11/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Đại sứ quán Anh, Trường Đại học Nghiên cứu Công lập Exeter Anh Quốc và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam” nhằm trao đổi về các giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE; ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam và hơn 140 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE cho biết: Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Đa dạng sinh học có đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn do những tác động đến từ thực trạng chuyển đổi đất, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.
Các đại biểu trao đổi về xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam
Trước thực trạng suy thoái đa dạng sinh học, Việt Nam đã tham gia tích cực hòa vào nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, không những góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước mà còn hướng đến những cam kết quốc tế quan trọng khác. Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Việt Nam đã ban hành các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Luật Đa dạng sinh học 2008, Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn.
Với việc chủ động tham gia vào các công ước quốc tế, cùng sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, Việt Nam đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả và bền vững. Bộ TN&MT cũng tăng cường phối hợp các đối tác, tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để cùng xây dựng các chương trình hợp tác nhằm tối ưu hóa nguồn lực huy động cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam; sự kết nối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng với huy động nguồn lực tài chính từ khu vực công và tư nhân nhằm góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hội thảo nhấn mạnh giá trị của vốn tự nhiên là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe môi trường và kinh tế - xã hội của Việt Nam, vì vậy, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ là chìa khóa để giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn đảm bảo phát triển bền vững. Hội thảo cũng tạo cơ hội tốt để các bên liên quan có thể thảo luận và xây dựng các chiến lược dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm các môi trường sống tự nhiên.
Nguyễn Hằng