Banner trang chủ

Xây dựng bản đồ phát thải khí nhà kính CO2 ở TP. Hồ Chí Minh là một trong 2 công trình về môi trường được vinh danh tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt

20/04/2022

    Ngày 15/4/2022, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường năm nay được dành cho 2 công trình của PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh và các cộng sự.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao giải cho đại diện nhóm tác giả là PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (Ảnh theo dantri)

    Cụ thể, công trình khoa học Xây dựng bản đồ phát thải khí nhà kính CO2 ở TP. Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp xây dựng thành phố phát thải thấp các bon. Đây là công trình nghiên cứu có tính cấp thiết rất lớn, đặc biệt vừa qua đã diễn ra COP 26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu). Công trình đã được nghiên cứu thành công nhằm đưa ra đánh giá được lượng phát thải CO2 từ các nguồn phát thải và lượng hấp thu CO2 từ đó ứng dụng công nghệ GIS trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng phát thải và hấp thu khí CO2 từ các nguồn phát thải và hấp thu điển hình tại TP. Hồ Chí Minh; đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2 để xây dựng mô hình thành phố phát thải thấp các bon.

    Công trình khoa học Công nghệ xử lý nước thải bằng hồ thủy sinh phủ hệ thực vật mới Cỏ Lông Tây (Brachiaria mutica), giải pháp xử lý nước thải khu công nghiệp tập trung hướng đến phát triển bền vững. Giải pháp này đang được rất nhiều công ty, nhà máy quan tâm để chuyển giao ứng dụng cho xử lý nước thải nhà máy, nước thải công nghiệp, dệt nhuộm, nước thải y tế, chăn nuôi… Nhóm nghiên cứu đang chuyển giao công nghệ này cho các công ty.

    Trước đó, vào năm 2020, với những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực Khoa học vật liệu, thực hiện Đề tài "Đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0,8W0,2O2, để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo", PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đã trở thành một trong 3 đại diện của Việt Nam nằm trong tốp 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 được Tạp chí Asian Scientist (Singapo) bình chọn. Hướng nghiên cứu này mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2, giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, góp phần nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.

Hương Mai

Ý kiến của bạn