01/01/2023
Ngày 30/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022. Hội nghị do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Hưng Thịnh, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Văn Thức chủ trì. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; đại diện lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, viên chức, người lao động Tổng cục Môi trường. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Nhiều kết quả nổi bật
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Tổng cục. Theo đó, năm vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, đáng chú ý là việc trình ban hành 2 văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật); xây dựng, trình ban hành 1 Chiến lược và 1 Chỉ thị về công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Na). Bên cạnh đó, Tổng cục đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 Thông tư của Bộ TN&MT; phối hợp với Thanh tra Bộ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để khẩn trương trình ban hành 3 Quy hoạch, 2 Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường; xây dựng 23 văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT, bao gồm: 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 10 Thông tư ban hành QCVN về môi trường và 13 hướng dẫn kỹ thuật về BVMT, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về môi trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản đã trình trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Trong năm 2022, Tổng cục Môi trường cũng đã tổ chức đối thoại, giải đáp trực tuyến (qua trang thông tin điện tử của Tổng cục và Bộ) để giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Tiếp nhận, giải quyết thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp về tình trạng vi phạm pháp luật; thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường; kịp thời phát hiện, giải quyết phản ánh, kiến nghị, vướng mắc về tình hình vi phạm trong hoạt động quản lý về môi trường tại địa phương. Cùng với đó, đã tiếp nhận 389 văn bản kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đến nay đã trả lời 318/389 văn bản (đạt tỷ lệ 81,7%), các kiến nghị còn lại đang tiếp tục được xử lý, đảm bảo hoàn thành 100% trước ngày 31/12/2022; tiếp nhận, trả lời hàng trăm ý kiến của công dân và đăng tải công khai trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời ý kiến công dân của Bộ TN&MT; tổ chức thành công 3 hội thảo trực tuyến cho đối tượng là Sở TN&MT của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để tiếp nhận, giải đáp các vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020; tổng hợp các nội dung vướng mắc và triển khai xây dựng Sổ tay hỏi đáp chính sách, pháp luật về BVMT… Đặc biệt, tháng 8/2022, Tổng cục Môi trường đã tổ chức thành công Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sư kiện liên quan với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, gần 1.000 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Hội nghị đã khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT trong thời gian tới, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về môi trường mà Quốc hội đã đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép, công nhận, chứng nhận về môi trường đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng ngừa, kiểm soát tác động xấu đến môi trường, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2022, Tổng cục đã giải quyết, trả kết quả 773 hồ sơ, bao gồm: 348 hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 157 hồ sơ đề nghị cấp phép môi trường; 57 hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 7 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược; 4 hồ sơ đề nghị chấp thuận về môi trường; 35 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc nhóm cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại; 17 hồ sơ cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; 12 hồ sơ đăng ký tiếp cận nguồn gen; 111 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; 11 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường; 8 hồ sơ đề nghị chứng nhận, thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; 2 hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành từng phần phương án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; 01 hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường; 3 hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng. Ngoài ra, trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính, Tổng cục đã phát hiện, xử phạt 8 tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT với tổng số tiền xử phạt khoảng 1.645 triệu đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết công tác năm 2022
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, đến nay, Tổng cục Môi trường đã cơ bản hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 với 7 đoàn thanh tra theo kế hoạch đối với 150 cơ sở trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra đối với 70 cơ sở trên địa bàn 18 tỉnh/thành phố. Ngoài ra, triển khai 3 đoàn thanh tra đột xuất, 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; tham gia 1 đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ chủ trì. Kết quả, đã ban hành, tham mưu Bộ ban hành 51 Quyết định xử phạt với tổng số tiền là 11.453 triệu đồng; 1 Quyết định buộc khắc phục hậu quả; 68 Thông báo kết luận kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra; đang chuyển 4 hồ sơ vụ việc vi phạm đến Chánh Thanh tra Bộ để xử lý theo thẩm quyền.
Năm qua, Tổng cục Môi trường cũng tập trung xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 372/435 cơ sở có tên tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 85,52%; 37/50 địa phương hoàn thành trên 70% việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, trong đó có 26/50 địa phương hoàn thành kế hoạch 100%, chiếm tỷ lệ 52%. Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp đã được giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường, 264/291 KCN đang hoạt động (đạt tỷ lệ 91%) có công trình xử lý nước thải tập trung, trong đó 239/264 KCN có hệ thống quan trắc nước thải tự động (chiếm tỷ lệ 90,5%); 234/264 KCN đã được xác nhận hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình BVMT (chiếm tỷ lệ 88,6%), 74/264 KCN đã có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, hồ sự cố theo quy định (chiếm tỷ lệ 28%); 07/291 KCN (chiếm tỷ lệ 2,4%) đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cả nước hiện có 162/735 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 22%); 39/162 CCN có hệ thống quan trắc tự động (chiếm tỷ lệ 24%). Đối với các KCN còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong KCN đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN quốc gia về môi trường trước khi xả ra môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Mặt khác, Tổng cục Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời, thúc đẩy và triển khai hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa; tham mưu ban hành Công văn số 1336/BTNMT-TCMT ngày 15/3/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo chủ động xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Không những thế, Tổng cục còn tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường toàn quốc; tiếp tục duy trì 9 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nguồn nước mặt; 3 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm; 2 chương trình quan trắc tác động. Triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chương trình, đề án có liên quan; đẩy mạnh việc khai thác, ứng dụng VN air trên thiết bị di động để công bố thông tin trực tuyến về chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN AQI) trên phạm vi toàn quốc cho cộng đồng (Theo số liệu thống kê đến nay, đã có trên 6.000 lượt tải ứng dụng). Đến nay đã có 58/63 địa phương với 1.298 trạm quan trắc tự động đã truyền số liệu về Bộ TN&MT theo quy định. Trong đó có 280 trạm quan trắc môi trường xung quanh tại 28 tỉnh, thành phố (gồm 131 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh; 108 trạm nước mặt; 41 trạm nước dưới đất); 959 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục (gồm 526 trạm nước thải, 433 trạm khí thải) đã truyền số liệu về Bộ TN&MT...
Trong công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, tập trung tổ chức triển khai Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn 2050; trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược. Xây dựng Kế hoạch của Bộ thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam và Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Nghiên cứu, đề xuất Trung tâm triển lãm, trưng bày về thiên nhiên và ĐDSH quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, các loài chim hoang dã, di cư. Điều tra, khảo sát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và hướng dẫn quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã di cư. Triển khai kết quả thực hiện Hội nghị COP 26 theo phân công của Lãnh đạo Bộ TN&MT.
Định hướng trong thời gian tới
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, năm 2023 và những năm tiếp theo, lĩnh vực môi trường sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật BVMT 2020, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương, người dân và doanh nghiệp để có hướng dẫn kịp thời. Tập trung rà soát, đánh giá, trình ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đảm bảo phù hợp với các quy định trong giai đoạn mới. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường hướng tới mục tiêu tiệm cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo người dân được sống trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đánh giá môi trường chiến lược với các chiến lược, quy hoạch, đánh giá tác động đối với các dự án đầu tư phát triển, trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chế định mới của Luật nhằm sàng lọc dự án đầu tư và chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, đặc biệt các dự án có yếu tố nhạy cảm liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH, chuyển đổi đất rừng; thiết lập cơ chế công khai nội dung báo cáo ĐTM để tham vấn rộng rãi ý kiến của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng, công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Toàn cảnh Hội nghị
Đẩy mạnh giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thông qua duy trì, tăng cường hiệu quả mô hình tổ giám sát “4 bên”; kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông..; Triển khai kế hoạch giám sát, xử lý khu vực, điểm nóng về môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về BVMT, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Duy trì, tăng cường hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương. Xây dựng nhiệm vụ cơ sở dữ liệu về môi trường đảm bảo đồng bộ thông tin từ trung ương đến địa phương, làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý. Lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường các cấp và tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Quan trắc, theo dõi, chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố ô nhiễm môi trường.
Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…). Tập trung triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Xác định các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, BVMT để có kế hoạch xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các nguồn nước này.
Chú trọng các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, triển khai tốt các quy định mới của pháp luật về di sản thiên nhiên; xây dựng, thực hiện các hoạt động nhằm triển khai kết quả của Hội nghị COP-26 liên quan đến phục hồi thiên nhiên, sử dụng các giải pháp từ thiên nhiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu theo phân công của Lãnh đạo Bộ TN&MT.
Ghi nhận và biểu dương những thành quả của lĩnh vực môi trường trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, lĩnh vực môi trường là một trong số ít các lĩnh vực của Bộ có 2 đạo luật quan trọng, nhiều văn bản dưới luật và hàng chục quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho công tác quản lý. Đặc biệt, đây là lĩnh vực duy nhất của Bộ có được nguồn chi ngân sách riêng, là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt cho công tác quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương. Điều này bắt nguồn từ những thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tổng cục Môi trường trong suốt 14 năm hình thành và phát triển.
Thứ trưởng chia sẻ, theo Nghị định số 68/NĐ-CP, Tổng cục Môi trường đã tinh giản các đầu mối. Từ năm 2023, sẽ có 3 đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường gồm: Vụ Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu BVMT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo 3 đơn vị mới thành lập, trên cương vị mới, nhiệm vụ mới, cần tiếp tục giữ vững nền tảng này và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT. Đặc biệt, cần coi trọng công tác tổ chức cán bộ và đào tạo để xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, tâm huyết với công việc để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thu Hằng