23/12/2020
Ngày 22/12/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục Môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc sát sao của tập thể Lãnh đạo Tổng cục Môi trường và sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức Tổng cục, cùng với sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về BVMT đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào thành công chung của toàn ngành TN&MT. Trong đó, Tổng cục Môi trường đã hoàn thành chương trình xây dựng văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho công tác BVMT; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, thúc đẩy các giải pháp thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa; hướng dẫn các địa phương bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cụ thể, Tổng cục đã tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tham mưu xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật BVMT năm 2020 (với tỷ lệ 91,91%), góp phần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Cùng với đó, giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã xây dựng, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành: 6 Nghị định, 14 Đề án, 21 Thông tư, 1 văn bản liên tịch. Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản pháp luật đã được đổi mới theo hướng tiệm cận quy định của các quốc gia phát triển; quản lý theo vòng đời và áp dụng nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, thực hiện quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, Tổng cục Môi trường đã thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực BVMT. Trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 1756/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020 về việc bổ sung thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực BVMT thuộc chức năng quản lý của Bộ TN&MT.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Theo đó, tập trung kiểm soát được 20 - 30% các đối tượng lớn, qua đó kiểm soát được 80% vấn đề môi trường; số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở, đạt 78,2%. Điển hình, tháng 12/2020, Tổng cục đã chủ trì, tổ chức Hội đồng giám sát liên ngành và phiên họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm, thực hiện cam kết BVMT của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau 3 năm triển khai.
Hoạt động kiểm soát ÔNMT khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng có tiến bộ vượt bậc. Đến nay, cả nước có 250/280 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 89,6% (tăng 38 khu công nghiệp, tương ứng 12,7% so với năm 2016), trong đó có 219 khu công nghiệp đã thực hiện đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục (đạt 87,6%); 276/698 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT; 115/698 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung… Cùng với đó, BVMT làng nghề đã có nhiều chuyển biến, với 11/47 làng nghề hoàn thành các biện pháp khắc phục ô nhiễm hoặc tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn ô nhiễm; 23/47 làng nghề đang triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc Hội nghị
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhập khẩu phế liệu từng bước được điều chỉnh và hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý. Đến nay, có 242 đơn vị được Tổng cục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, 13 tổ chức được Tổng cục chỉ định tham gia hoạt động giám định phế liệu nhập khẩu. Đặc biệt, đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Nhìn chung, trong năm 20120, công tác quản lý, BVMT đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, chủ động kiểm soát, phòng ngừa được ÔNMT, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao về môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng; đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường; xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, ÔNMT vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây được giảm dần; vấn đề môi trường đã thu hút, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước nói chung và của Tổng cục trong năm qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, công tác xây dựng đề án, văn bản vẫn còn chậm tiến độ; tỷ lệ giải ngân chậm so với chương trình công tác đầu năm đề ra; tiến độ xử lý các điểm nóng, bức xúc về ÔNMT còn chậm…
Toàn cảnh Hội nghị
Nhằm đảm bảo hiệu quả các mục tiêu BVMT hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong năm 2021, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung thực hiện một số hoạt động chính như: Xây dựng, tham mưu trình ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BVMT năm 2020; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế; kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ; tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đúng quy định; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT; thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khoa học và công nghệ về BVMT...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Môi trường trong năm 2020. Đồng thời, đề nghị Tổng cục cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, xây dựng Kế hoạch triển khai Luật BVMT năm 2020 cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đảm bảo yêu cầu về chất lượng và đúng tiến độ, trình các cấp để Luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Hai là, huy động nguồn lực để xây dựng hành lang pháp lý về quản lý chất thải rắn theo hướng thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước; nghiên cứu xây dựng quy hoạch BVMT quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế; rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới. Cùng với đó, triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn; mô hình phân loại tại nguồn, phân loại tập trung rác thải sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi vật chất, năng lượng từ chất thải rắn…
Ba là, thúc đẩy triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quản lý về đa dạng sinh học đã được ban hành, đặc biệt trình ban hành các Chiến lược, Kế hoạch, Đề án BVMT giai đoạn đến năm 2026 và tầm nhìn đến năm 2030.
Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ mới để bảo đảm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước theo đúng Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ.
Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT; tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất, với trọng tâm thanh tra năm 2021 là nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt. Thanh tra đột xuất đối với các đối tượng có nguy cơ gây ra sự cố môi trường; lưu ý các lưu vực sông, đặc biệt là Bắc Hưng Hải...
Mai Hương