Banner trang chủ

Tọa đàm phục hồi hệ sinh thái sông, hồ tại Việt Nam

18/06/2021

     Hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 2021 - “Phục hồi hệ sinh thái (HST)”, đồng thời nhân dịp Liên hợp quốc phát động “Thập kỷ phục hồi HST” với hy vọng ngăn chặn, phòng ngừa và đảo ngược sự suy thoái của HST trên toàn cầu, ngày 16/6/2021, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phục hồi HST sông, hồ tại Việt Nam”.

     Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” (CAWACON) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế hoa Kỳ (USAID) và triển khải bởi CECR, nhằm truyền tải thông điệp chung tay tham gia bảo vệ,hồi sinh các HST tại các nguồn nước vì lợi ích của con người, các loài sinh vật và thiên nhiên. Tọa đàm có sự tham gia của TS. Nguyễn Ngọc Lý, Sáng lập/Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR; Bà Đinh Thu Hằng - Giám đốc CECR; PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON); PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biển đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

     Việt Nam là quốc gia có nguồn nước mặt dồi dào với khoảng 3.450 sông, suối dài trên 10 km và hàng nghìn hồ, ao, khu đất ngập nước. Tuy nhiên, nguồn nước mặt của chúng ta lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng và trở thành một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe các loài động vật và thủy sinh trong HST sông, hồ. Trước thực trạng trên, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi HST” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các HST bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước, đa dạng sinh học.

Các chuyên gia chia sẻ, thảo luận tại Tọa đàm

     Tại Tọa đàm “Phục hồi HST sông, hồ tại Việt Nam”, các chuyên gia đã tập trung chia sẻ, thảo luận về hiện trạng các HST sông, hồ và giải pháp để phục hồi HST sông, hồ tại Việt Nam, xoay quanh các nội dung chính: Hiện trang HST sông, hồ ở Thủ đô Hà Nội; Tính đa dạng sinh học và sự phong phú về HST thủy vực trên lưu vực sông Mekong; Các tiêu chí đánh giá sức khỏe của sông, hồ và HST sông, hồ ở Việt Nam; Rào cản lớn nhất để Việt Nam có thể chủ động khôi phục HST của các dòng sông đang dần dần chết đi? Sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức phi Chính phủ ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp trong vieecj phục hồi HST sông, hồ có ý nghĩa như thế nào?… Các chuyên gia cho rằng, HST sông, hồ ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng, được ví như những mạch máu của cơ thể con người; giống như một cái cây, được kết nối giữa quốc gia với quốc gia, tỉnh với tỉnh, con người với con người. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, các con sông, hồ không thể cất lời kêu cứu. Để thực sự đánh giá được sức khỏe của các dòng sông, HST đang ở mức độ nào, sẽ cần dựa vào các đặc điểm về vật lý, hóa học, sinh học và các tiêu chí về dịch vụ HST và dịch vụ xã hội…

     Đồng thời, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi thắc mắc từ quý khán giả quan tâm về vấn đề HST sông, hồ tại Việt Nam như: HST sông, hồ gồm những gì? Sự tác động qua lại giữa HST sông, hồ lên cuộc sống con người và ngược lại? Vai trò của các ủy ban lưu vực sông hiện nay trong quản lý chất lượng các sông, hồ? Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long có các chương trình gì liên quan đến phục hồi HST? Việt Nam đã có kịch bản về suy thoái HST sông, hồ và các tỉnh/thành chưa? Làm thế nào để giải quyết vấn đề chất thải ở hệ thống kênh, sông như chất thải nhựa, độc chất từ nông nghiệp, chất thải từ các nhà máy sản xuất để góp phần phục hồi HST sông, hồ? Công tác phục hồi HST sông, hồ có bao gồm phục hồi dòng chảy, lưu lượng nước cho sông hồ không? Làm sao để phục hồi HST sông trong khi nó lại phụ thuộc vào rất nhiều dòng nước? Với vai trò là một công dân Việt Nam, lớp trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung nên làm gì để bảo vệ dòng sông?...

     Kết luận Tọa đàm, bà Đinh Thu Hằng - Giám đốc CECR đã trích lời của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới: “Thập kỷ này thuộc về tất cả chúng ta. Các cộng đồng, nhà đổi mới, nhà đầu tư, chính quyền các cấp, các công ty, mỗi một cá nhân hãy thực sự hành động sứ mệnh của mình”. Qua đó bà kêu gọi tất cả mọi người hãy sẵn sàng bước vào Thập kỷ phục hồi HST.

Bùi Hằng

 

 

 

Ý kiến của bạn