19/04/2022
Hòa trong không khí kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992 - 1/4/2022) gắn với kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 - 16/04/2022) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); ngày 14/4/2022, tại Trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy.
Đại diện Bộ Ngoại giao trao tặng Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO cho UBND tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Thiện Nhân)
Tại kỳ họp lần thứ 33, Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận đã được thông qua và chính thức được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (đây là 1 trong 2 hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được công nhận đợt này, nâng tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam lên con số 11); đồng thời, vịnh Vĩnh Hy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh (tại Quyết định số 44/QĐ-BVHTTDL ngày 7/1/2020). Đây là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Ninh Thuận nói riêng cũng như của toàn thể người dân Việt Nam nói chung.
Tại Lễ đón nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền khẳng định, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy được công nhận sẽ góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa của tỉnh Ninh Thuận và Việt Nam với bạn bè quốc tế. Những kết quả được ghi nhận là cơ hội, tiền đề để tỉnh xây dựng mô hình phát triển phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng nhằm thu hút khách du lịch. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung bảo tồn và khuyến khích phát triển văn hóa phi vật thể như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm, Raglai; các lễ hội truyền thống như đua ghe, hát lăng, thờ cá Ông của ngư dân ven biển; đồng thời xây dựng mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng trồng nho…
Phương Tâm