27/10/2022
Ngày 27/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNH) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Chiến lược này. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện như Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt “Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”; Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ; trong đó, có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon… Đây là quy định có tính chất định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp và hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng trưởng xanh của toàn bộ nền kinh tế; trong đó, các phương pháp để thực hiện xanh hóa ngành Ngân hàng đã được đưa ra tương đối đầy đủ.
Toàn cảnh Hội thảo
Với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và của NHNN, với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Kết quả khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cũng cho thấy sự hiểu biết của các TCTD đã được cải thiện đáng kể. Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh...
Đặc biệt, tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế; đồng thời, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh. Mặc dù Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam được đánh giá là chưa nhanh như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ sở lý luận, thực tiễn khách quan giúp cho việc đề xuất và thực thi các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam; khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Tín dụng xanh, Ngân hàng xanh; khuyến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Vũ Nhung