15/06/2023
Ngày 13/6/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã chủ trì cuộc họp với cơ quan soạn thảo và các đơn vị chuyên môn để tiếp thu, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần vào việc giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn cũng như sự chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác để thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng từ Trung ương đến địa phương, thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá xu hướng phát triển, nhìn nhận khách quan trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp, để Dự án Luật sau khi sửa đổi có sức sống dài hạn. “Đề nghị về phía Cơ quan soạn thảo trên hết phải đứng trên vai trò người đánh giá chứ không phải là người soạn thảo thì mới tìm ra được những “nút thắt” để tháo gỡ và xây dựng Luật gắn với thực tiễn. Đối với các cơ quan quản lý liên quan, phải thẳng thắn xây dựng ý kiến đóng góp để mạnh dạn đưa những tư tưởng mới, hiện đại và phù hợp thực tiễn vào Dự thảo luật” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, trong số 439 ý kiến của đại biểu Quốc hội, đa số các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước. Đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các nội dung về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung mà đại biểu Quốc hội đặt ra nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa, phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả ở Trung ương và địa phương; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật; hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu; xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa...
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh một lần nữa nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Do đó, Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, để hoàn thiện Dự án Luật. Bộ trưởng cũng khẳng định Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết, để tài nguyên nước xứng đáng với vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Nam Hưng