Banner trang chủ

Thực trạng công nghệ và tiềm năng phát triển Hydrogen ở Việt Nam

29/08/2024

    Ngày 29/8/2024, tại Hà Nội, Viện Công nghệ năng lượng (Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hydrogen: Thực trạng công nghệ và giải pháp”. GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Võ Thành Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Đặng Trần Thọ, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì Tọa đàm. Cùng tham dự có các nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu  khí Việt Nam…

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia đặt mục tiêu giảm lượng khí thải các-bon để đối phó với biến đổi khí hậu, Hydrogen trở thành một lựa chọn năng lượng hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đang thể hiện tham vọng bước vào sân chơi rất mới này, bởi hydro sạch mang đến cơ hội tăng trưởng bền vững, có thể chiếm gần 70% thị trường, trị giá 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050, nếu khoản đầu tư vào lĩnh vực hydro thật sự đáng kể và đúng mục tiêu. Việc giảm thải các-bon trong các lĩnh vực khó thực hiện như sản xuất thép, hóa chất, hàng không và vận tải đường biển có thể sẽ cần sử dụng lượng hydro tăng gấp 6 lần trên toàn cầu, lên tới gần 600 triệu tấn vào năm 2050. Điều này phản ánh sự gia tăng nhu cầu sử dụng hydrogen trong các lĩnh vực khó giảm khí thải như sản xuất thép, hóa chất, hàng không và vận tải đường biển.

    Tại Việt Nam, Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu công suất sản xuất Hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Quan điểm của Chính phủ là phát triển năng lượng Hydrogen trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa và thống nhất với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các Chiến lược, Quy hoạch liên quan khác, có tính động và mở để thích ứng với bối cảnh, tình hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít thách thức cần giải quyết để loại năng lượng này bùng nổ, đáp ứng kịp thời mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Toàn cảnh Tọa đàm

    Tại Tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung chính: Hydrogen - Thực trạng và xu thế công nghệ; công nghệ sản xuất, tích trữ, vận chuyển Hydrogen; năng lượng Hydrogen - Cơ hội và thách thức. Các đại biểu cho rằng, ngành công nghiệp Hydrogen xanh tạo ra cơ hội hợp tác quốc tế trong việc phát triển và triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Hợp tác này không chỉ giúp chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ mà còn tạo ra các liên kết kinh tế và chính trị xuyên biên giới. Phát triển ngành công nghiệp Hydrogen xanh tạo ra cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, vận tải và dịch vụ, điều này góp phần vào việc tạo ra sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, bao gồm giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững. 

    Theo TS. Dư Văn Toán, Trưởng phòng Viện nghiên cứu Biển và hải đảo, Bộ TN&MT, hiện nay, nhu cầu Hydrogen của Việt Nam ngày càng tăng, việc chuyển dịch năng lượng sang loại nhiên liệu không hoặc phát thải khí nhà kính thấp là xu thế tất yếu để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhu cầu hydro xanh khác nhau ở các ngành, lớn nhất là công nghiệp năng lượng, theo sau là giao thông và công nghiệp sản xuất. Hydrogen được đánh giá là một trong những giải pháp nổi bật trong tiến trình toàn cầu theo đuổi một tương lai xanh hơn. Sản xuất Hydrogen được kích hoạt từ việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo, giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió. Đáng chú ý, sản xuất Hydrogen còn có tiềm năng tạo ra tín chỉ các-bon, có thể kiếm về hàng tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu mua bán tín chỉ các-bon ngày càng gia tăng mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, nhiều “nắng, gió, nước biển”, là các nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ra Hydrogen xanh, vì vậy, Việt Nam cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư, nguồn nhân lực và công nghệ. Đây là cơ sở để giảm giá thành sản xuất Hydrogen, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, thu hút nguồn lực tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Gia Linh

Ý kiến của bạn