02/04/2025
Nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, ngày 2/4/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Đánh giá nhanh hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau ở khu vực miền Bắc Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đối tác công tư (PPP) phát triển nông nghiệp bền vững”.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu cho biết, trong lĩnh vực thương mại, rau quả là một trong 3 nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt mức kỷ lục 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023, tăng trung bình 20,1% từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, sản lượng chế biến còn thấp, với khoảng 79,5% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi hoặc sơ chế, gây tổn thất sau thu hoạch lên tới 20%. Trước thực trạng đó, việc ứng dụng chuyển đổi số vào chuỗi giá trị nông sản sẽ làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, đồng thời là bước đột phá để nâng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiện nay, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng vào sản xuất rau, bao gồm hệ thống quan trắc chất lượng đất và nước, phần mềm dự báo thời tiết, hệ thống giám sát dịch hại, công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR và blockchain... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vẫn còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở một số mô hình thí điểm. Do đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu, nghiên cứu hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau tại khu vực miền Bắc là rất cần thiết, không chỉ đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ số của các tác nhân trong chuỗi giá trị mà còn phân tích điểm mạnh, hạn chế cũng như thách thức đang tồn tại. Trên cơ sở đó, các giải pháp chính sách được đề xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành rau Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Anh Phong chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Nguyễn Anh Phong cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghệ số. Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số cho toàn ngành nông nghiệp, cần có sự chung tay của các bên liên quan để xây dựng chiến lược, đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ phù hợp, đồng thời nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng số cho nông dân. Nghiên cứu “Đánh giá nhanh hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau ở khu vực miền Bắc Việt Nam” sẽ đóng góp quan trọng cho Nhóm công tác PPP về rau trong việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường đã trao đổi kết quả nghiên cứu trường hợp điển hình về ứng dụng công nghệ cao và các giải pháp phát triển chuỗi giá trị đến từ rau tại khu vực phía Bắc Việt Nam; Đánh giá nhanh hiện trạng chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau và đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong chuỗi giá trị rau…
Quang cảnh Hội thảo
Một số đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, hiện nay, các ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, cảm biến thông minh chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi; Hạ tầng số như mạng Internet băng thông rộng, mạng 5G tại các vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; Nguồn nhân lực làm nông nghiệp còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ số, trình độ nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số chưa cao; Vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại đối với việc đầu tư và ứng dụng công nghệ mới… Để tạo bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp, việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách đóng vai trò nền tảng. Trên cơ sở nghiên cứu trường hợp điển hình về ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La, nhóm nghiên cứu cần phân tích rõ hơn ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng, tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Hương Mai