14/09/2022
Ngày 14/9/2022, Tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong BVMT”. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các hoạt động hưởng ứng "Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2022 của Hội LHPN Việt Nam.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành thách thức to lớn của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, đáng chú ý, chưa đến 1/3 trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng gấp 5 lần, tính từ năm 1990 đến nay. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm. Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước. Ngoài ra, có rất nhiều vấn đề môi trường khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, ở phạm vi quốc gia và quốc tế, giới và môi trường đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm bởi mối liên hệ giữa hai thành tố này và bình đẳng giới phần nào được phân tích như một cách tiếp cận trong quá trình xây dựng, thực hiện các can thiệp về môi trường. Việt Nam cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thoả thuận Paris, đưa ra cam kết về Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) vào tháng 7/2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định giải pháp: "Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong BVMT”. Đối với Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ - BVMT là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ thông qua các Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phong trào "Chống rác thải nhựa"; Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ...
Toàn cảnh Hội thảo
Thời gian qua, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ tại các địa phương được xây dựng, duy trì, nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động BVMT của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng như cộng đồng. Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 13 triệu gia đình hội viên đạt tiêu chí "5 không, 3 sạch", gần 17 nghìn công trình/phần việc giữ gìn, BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhận. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa; trồng cây xanh, đường hoa tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống. Do vậy, bình đẳng giới hiện nay không chỉ là một quyền cơ bản của con người, nó còn là một nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam và kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động tích cực trong lĩnh vực giới và môi trường", bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung chính: Ô nhiễm môi trường và sức khỏe phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam; Một số vấn đề về bình đẳng giới trong Luật BVMT năm 2020; Thực trạng và giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong BVMT ở Việt Nam; Sự tham gia và vai trò của phụ nữ trong thực hiện các chính sách về môi trường: Trường hợp điển hình trong quản lý rác thải và bảo tồn nguồn nước tại Việt Nam; Bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong quản lý chất thải nhựa; Phụ nữ tiên phong trong giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; Ứng dụng phân loại rác tại nguồn được tích điểm đổi quà và công nghệ số giúp nâng cao việc thu gom rác thải và kinh tế bao trùm; Giải pháp/sáng kiến truyền thông thay đổi hành vi phụ nữ và cộng đồng trong thực hiện phân loại rác, xử lý rác tại nguồn; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, duy trì mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh bản địa tại cộng đồng; Giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng góp phần thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính…
Bùi Hằng