Banner trang chủ

Tham vấn Dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Hà Nội

14/10/2022

    Ngày 14/10/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự Hội thảo có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài và đại diện Viện TN&MT (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Sở TN&MT khu vực phía Bắc…

    Phát biểu khai mạc Hội thảo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, thực hiện Luật BVMT năm 2020, Luật Quy hoạch và Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương và chuyên gia xây dựng Dự thảo báo cáo Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 theo các nội dung của nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 18/2/2020. Theo quy định của Luật Quy hoạch, Quy hoạch BVMT quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia, nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia. Quy hoạch BVMT quốc gia tập trung vào 4 đối tượng là phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh, Hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Theo đó, 2 nội dung được các đại biểu tham gia góp ý gồm: Đánh giá hiện trạng các đối tượng của quy hoạch BVMT quốc gia (trong đó bao gồm tính đầy đủ về thông tin, số liệu đối với đối tượng quy hoạch; tính phù hợp với thực tế tại địa phương nhất là khu xử lý chất thải và mạng lưới quan trắc môi trường); sự phù hợp của các định hướng đối với các đối tượng của quy hoạch, tính khả thi khi thực hiện trong phương án của quy hoạch tỉnh.

    Tại Hội thảo, đại diện Viện TN&MT (Đại học Quốc gia Hà Nội), đơn vị tư vấn lập quy hoạch BVMT đã báo cáo về các nội dung: Tổng quan chung, quan điểm, mục tiêu BVMT; định hướng hình thành các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung; định hướng thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch BVMT quốc gia.

    Góp ý cho nội dung tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, quy hoạch BVMT quốc gia phụ thuộc nhiều vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch cần có sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của các ngành khác. Về nội dung quy hoạch, Ban soạn thảo cần làm rõ đối tượng quy hoạch; trong đó, đặc biệt lưu ý đến tính logic, sự liên kết giữa các thành phần, theo đó cần quy định rõ các tiêu chí kỹ thuật, định mức để thực hiện, đặc biệt là nội dung phân vùng quản lý chất lượng môi trường; quy hoạch quản lý chất thải rắn nên tập trung làm ở cấp quốc gia, cấp vùng; quy hoạch ở cấp tỉnh, nên giao lại cho địa phương. Đối với nội dung quy hoạch khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung, các đại biểu đề nghị nên có hướng dẫn cụ thể về lựa chọn công nghệ xử lý chất thải. Ngoài ra, khi đánh giá hiện trạng để lập quy hoạch, cũng nên nghiên cứu các điểm ô nhiễm liên vùng, ô nhiễm môi trường nổi cộm ở địa phương…  

    Tiếp thu các ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Bộ, ban, ngành, Sở TN&MT địa phương, Ban soạn thảo sẽ bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch. Theo kế hoạch, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định vào tháng 11/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 12/2022.

Châu Loan

Ý kiến của bạn