15/06/2023
Ngày 15/6/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước; Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn; Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra đến nay chưa đạt được. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra. Quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước; một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội…
Trước những thách thức và bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH. Đặc biệt, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp đó, ngày 21/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW theo Kết luận số 56-KL/TW.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường mong muốn được lắng nghe những ý kiến, góp ý của các chuyên gia và nhà khoa học về nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 56-KL/TW. Cụ thể là việc thực hiện các mục tiêu; các nhiệm vụ trọng tâm; đánh giá tổng quát về thực hiện Nghị quyết, đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong tình hình mới, bao gồm: bối cảnh trong và ngoài nước; quan điểm, mục tiêu đề xuất; một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới và các kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng đoàn Quốc hội; Ban Cán sự đảng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương.
TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường báo cáo khái quát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết thêm, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết, trong 10 năm qua, Đảng ta đã ban hành 7 Nghị quyết liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến năm 2023, 11 dự án xây dựng, sửa đổi Luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua, 3 dự án Luật đang được sửa đổi, một số Luật có liên quan cũng đã được xây dựng, sửa đổi, Chính phủ đã ban hành 88 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 106 Quyết định thể chế hóa Nghị quyết. Việt Nam cũng đã tham gia ký kết 04 điều ước quốc tế về tài nguyên, môi trường. Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy, trong tổng số 28 mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể đến 2020, có 9/28 mục tiêu đã đạt được, có chuyển biến tích cực; 19/28 mục tiêu chưa đạt được. Trong đó: (1) Về ứng phó với biến đổi khí hậu: 2/5 mục tiêu đã đạt được; 3/5 mục tiêu chưa đạt được; (2) Về quản lý tài nguyên: 4/10 mục tiêu đã đạt được; 6/10 mục tiêu chưa đạt được; (3) Về bảo vệ môi trường: 2/13 mục tiêu đã đạt được; 1/13 mục tiêu chưa đạt được nhưng có chuyển biến tích cực; 10/13 mục tiêu chưa đạt được. Nghị quyết số 06/NQ-CP thực hiện Kết luận số 56-KL/TW cũng đã đề ra 23 mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể. Kết quả rà soát, đánh giá đến năm 2022 cho thấy, có 3/23 mục tiêu đã đạt được; 10/23 mục tiêu có thể đạt được; 3/14 mục tiêu còn nhiều thách thức và 7/23 mục tiêu khó đạt được.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trên cơ sở Báo cáo Tổng kết, một số đại biểu đánh giá, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã đẩy mạnh việc lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường trong các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thông qua các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng thủy văn… Tuy nhiên, các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 và hành động tăng trưởng xanh mới dừng ở khuyến khích thực hiện chưa có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát, đánh giá cụ thể, gây khó khăn cho các cơ quan trong đánh giá hiệu quả thực hiện. Các mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh chưa được thực hiện một cách bài bản, toàn diện để có thể phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu biến đổi khí hậu, TN&MT cũng là bài toán khó do đang được quản lý phân tán, không thường xuyên cập nhật, thiếu liên thông, liên kết. Việc điều phối ứng phó biến đổi khí hậu giữa các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, đa số đại biểu tại Hội thảo đề nghị xem xét, ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ của Nghị quyết.
Hương Đỗ