Banner trang chủ

Tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người

14/03/2022

    Trong hai ngày 10 - 11/3/2022, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) và sức khỏe con người”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các chuyên gia trong và ngoài nước, các hội viên của VACNE ở tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế.

    Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch của Chương trình “Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước thuộc diện thu nhập trung bình và thấp để xử lý ô nhiễm và giảm thiểu tác động của ô nhiễm, đặc biệt là các tác động đến ĐDSH”. Chương trình do Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) và Ủy ban Bảo tồn Thiên nhiên chung (JNCC) đồng thực hiện nhằm mục tiêu chính là đảo ngược tình trạng mất ĐDSH, xây dựng khả năng phục hồi hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và cải thiện sức khỏe con người.  

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền đã nhấn mạnh, phát triển bền vững, giảm thiểu tổn thất về môi trường là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam. Việt Nam đang rất nỗ lực chung tay cùng với thế giới thực hiện các quá trình chuyển dịch hướng tới mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững, luôn đặt ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ĐDSH ở vị trí quan trọng trong các nghị quyết và định hướng phát triển. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã thực hiện nhiều nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 01 năm 2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn ĐDSH tốt hơn. Mới đây nhất, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg vào ngày 28/1/2022 cũng đã xác định rõ ưu tiên của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong thời gian tới đó là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; phục hồi và bảo đảm tính toán vệ, tính kết nối của hệ sinh thái; ĐDSH được sử dụng bền vững góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với BĐKH.

    Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền đề nghị các Sở TN&MT cũng như các cơ quan có liên quan ở địa phương, tích cực áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm tiếp cận hệ sinh thái, cân nhắc lồng ghép nội dung bảo tồn ĐDSH trong phát triển các ngành kinh tế, thực hiện nghiêm túc đánh giá ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường nhằm giải quyết sự suy giảm ĐDSH, ô nhiễm môi trường và BĐKH. Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương cùng chung tay phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa góp phần vào công cuộc phát triển, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH chung của Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận như Tổng quan về ĐDSH của Việt Nam; Đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí; ô nhiễm nguồn nước; sản xuất nông, lâm nghiệp đối với ĐDSH, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại trong giai đoạn 2022 - 2025; Đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đối với ĐDSH biển Việt Nam và đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại; Tác động của biến động sử dụng đất đến ĐDSH và diện tích phân bố của các thảm cỏ biển; Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân tại TP. Hồ Chí Minh và xây dựng giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân; Phát hiện, đánh giá về những hạn chế về dữ liệu, thông tin, kiến thức chung về sự tương tác giữa ô nhiễm môi trường, ĐDSH và sức khỏe con người trong bối cảnh Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế và xây dựng các chương trình hoạt động. Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, nhận xét về Báo cáo của Hội Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên - Anh Quốc (JNCC) về “Phân tích toàn cầu về tác động của ô nhiễm môi trường đối với ĐDSH” và “Kết quả đánh giá tại Việt Nam”; Phát hiện các lĩnh vực ưu tiên, khả thi về tác động của ô nhiễm môi trường đối với ĐDSH và sức khỏe cộng đồng để đề xuất trong Chương trình hoạt động và tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn của Vương Quốc Anh (năm 2022 và 2022 - 2025). Hội thảo là cơ hội để cùng nhìn nhận tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện trạng ĐDSH và tác động của ô nhiễm lên môi trường và con người.

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn