Banner trang chủ

Quản lý bền vững chất thải nhựa ngành y tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

01/08/2024

    Trong 2 ngày 30 - 31/7/2024, tại Quảng Ninh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (Cherad) phối hợp cùng Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (Plastic and Health Action Partnership - PHA) tổ chức Tọa đàm Quản lý bền vững chất thải nhựa (CTN) trong chăm sóc sức khỏe và Lễ ra mắt Ban sức khỏe trực thuộc Mạng lưới đối tác hành động về nhựa và sức khỏe. Tham dự Tọa đàm có TS. Bác sĩ Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế); bà Vũ Thị Thu Hằng, chuyên gia quản lý dự án, Phòng Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng - Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam; ông Bikash Pandey, Giám đốc Chương trình Năng lượng sạch - Quyền Giám đốc Dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa Tổ chức Winrock; PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Cherad); đại diện Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường một số địa phương và 15 bệnh viện, các chuyên gia hàng đầu đến từ các Cục, Viện chuyên ngành của Bộ Y tế…

Tọa đàm Quản lý bền vững CTN trong chăm sóc sức khỏe

    Hiện nay, CTN đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú; ước tính mỗi năm phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tỷ lệ nhựa chiếm 10 - 20% (mỗi năm phát sinh khoảng 2,5 - 5 triệu tấn CTN). Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5% - 10% khối lượng chất thải y tế phát sinh là CTN, tổng khoảng 22 tấn/ngày, trong đó CTN lây nhiễm có thể lên tới hơn 25% - 40% tùy vào chuyên khoa của bệnh viện.

    Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Cherad, lượng CTN y tế được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau: Hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh hay từ các hoạt động chuyên môn y tế, hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Việc ứng dụng rộng rãi các sản phẩm làm từ nhựa trong ngành y tế đang tạo ra một nguồn rác thải nhựa ngày càng nhiều hơn đã và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Khi các loại rác thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.

Lễ ra mắt Ban sức khỏe trực thuộc Mạng lưới đối tác hành động về nhựa và sức khỏe

    Để hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở y tế triển khai giảm thiểu, quản lý bền vững CTN y tế, góp phần giảm phát thải CTN từ các cơ sở y tế ra môi trường, Cherad đã triển khai thực hiện Sáng kiến Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý CTN y tế thuộc Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Bộ TN&MT là cơ quan chủ quản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là chủ Dự án... Vì vậy, Tọa đàm Quản lý bền vững CTN trong chăm sóc sức khỏe và Lễ ra mắt Ban sức khỏe trực thuộc Mạng lưới đối tác hành động về nhựa và sức khỏe được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý CTN trong ngành y tế, qua đó làm rõ thêm công tác thu gom, phân loại, xử lý CTN của các bệnh viện (thuận lợi, khó khăn/vướng mắc trong vấn đề quản lý CTN). Đây đồng thời cũng là nền tảng, cơ sở để thúc đẩy sự trao đổi, chia sẻ của các đại biểu tham dự, nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, thực hiện hiệu quả mục tiêu quản lý bền vững CTN ngành y tế nói riêng, CTN nói chung.

    Tọa đàm đã lắng nghe tham luận về: Một số điểm chính về các chính sách liên quan đến quản lý CTN trong ngành y tế;  những khó khăn và thách thức trong quản lý bền vững CTN… Tiếp đó, trong phần thảo luận, các đại biểu đã tâp trung trao đổi, bàn thảo về một số nội dung chính như: Tính khả thi, điều kiện cần và đủ để triển khai quản lý bền vững CTN trong bệnh viện? Thuận lợi, khó khăn/thách thức trong giảm thiểu phát sinh và tăng cường thu gom để tái chế CTN y tế nói chung, CTN lây nhiễm nói riêng? Điều kiện cần và đủ để và các đề xuất cụ thể để khối doanh nghiệp có thể thu gom và tái chế  hiệu quả CTN y tế? Hướng nghiên cứu để có các minh chứng về tác hại của ô nhiêm nhựa đến sức khoẻ, môi trường sống qua đó đóng góp bằng chứng khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường… ra các quyết định chính sách liên quan đến giảm thiểu CTN…

    Nhân dịp này, sáng ngày 31/7, Ban Sức khỏe thuộc Mạng lưới đối tác hành động về nhựa và sức khỏe đã chính thức được ra mắt với mục đích hỗ trợ hoàn thiện, triển khai chính sách về quản lý CTN y tế; tăng cường năng lực về quản lý CTN y tế, góp phần xây dựng hệ thống các cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp tại Việt Nam và bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của nhựa. Nội dung hoạt động dự kiến của Ban sức khỏe trong thời gian tới gốm: Thực hiện nghiên cứu để cug cấp bằng chứng khoa học cho các nhà quản lý; truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực/hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám về kiến thức, cách thức thu gom, phân loại CTN cho cán bô, công nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; xây dựng tài liệu, đề xuất số hóa dữ liệu; thống kê danh sách các cơ sở có khả năng thực hiện xử lý CTN trong các khu vực trên toàn quốc; tổng hợp văn bản, chính sách liên qua đến giảm thiểu, tái chế CTN trong nước; đẩy mạnh kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở y tế trong nước cũng như học tập kinh nghiệm của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới…

Tham quan thực địa và học hỏi kinh nghiệm quản lý CTN y tế tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí

    Chiều cùng ngày, các đại biểu đã có chuyến tham quan thực địa và học hỏi kinh nghiệm quản lý CTN y tế tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí. Tại đây, các đại biểu đã được nghe đại diện Bệnh viện giới thiệu tổng quan về quá trình hình thành, phát triển và công tác quản lý CTN của Bệnh viện. Trong đó, các đại biểu đặc biệt ấn tượng với phương pháp xử lý CTN bằng hình thức hấp khử khuẩn đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và xã hội như: Tiết kiệm chi phí; không phát sinh khói bụi, khí độc hại ra môi trường trong quá trình hấp; sản phẩm đầu ra đảm bảo an toàn trong y tế; biến CTN lây  nhiễm thành chất thải có khả năng tái chế, làm giảm thiểu đáng kể lượng CTN ra môi trường trong bối cảnh tác động xấu từ loại chất thải này lên môi trường ngày càng nghiêm trọng; bước đầu định hướng phương pháp để làm căn cứ giúp các cơ quan chức năng kịp thời có hướng dẫn chính sách cụ thể để áp dụng trên phạm vi rộng…

Gia Linh - Hồng Nhung

Ý kiến của bạn