03/11/2022
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường năm 2022, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 (ASOEN 33) và chuỗi các hội nghị liên quan đang diễn ra từ ngày 3 - 7/10/2022 tại tỉnh Siem Reap, Campuchia. Tham dự chuỗi Hội nghị gồm ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế kiêm Chánh Văn phòng ASEAN Việt Nam, Bộ TN&MT là trưởng đoàn. Thành viên Đoàn gồm các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH), Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), Tổng cục Môi trường, Trung tâm Truyền thông TN&MT và Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.
Đây là chuỗi Hội nghị quan chức cao cấp rất quan trọng trong cơ chế hợp tác ASEAN về môi trường được tổ chức theo định kỳ hàng năm. Tham dự chuỗi Hội nghị có đại biểu Quan chức cao cấp các quốc gia thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các nước đối tác ASEAN gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và một số tổ chức quốc tế…
Từ ngày 3 - 5/10/2022, tại Hội nghị ASOEN 33 và các hội nghị tham vấn liên quan, các Quan chức ASOEN đã xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác về môi trường trong năm 2021-2022 nhằm xây dựng kế hoạch hợp tác trong năm 2023 và chuẩn bị các nội dung báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) lần thứ 17 sắp tới. Sau khi rà soát, đánh giá, các quan chức ASOEN đã nhất trí đề cử 4 Vườn Di sản ASEAN (AHP) trong số 10 bộ hồ sơ của các Vườn Quốc gia (VQG) được đề xuất xem xét tại Hội nghị Nhóm Công tác ASEAN về ĐDSH lần thứ 32 (đã diễn ra ngày 9-10/9/2022 trước đó). Cụ thể như công viên nguyên sinh Pasonanca (Philippines); Công viên nguyên sinh tại Dãy núi Inayawan (Philippines); VQG Bạch Mã (Việt Nam); VQG Côn Đảo (Việt Nam).
Đây là 4 Vườn Di sản ASEAN được tính theo thứ tự từ 52 - 55 của ASEAN dự kiến được trình lên cấp Bộ trưởng Môi trường ASEAN phê duyệt và được nhận trao Chứng chỉ AHP tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17. VQG Bạch Mã và VQG Côn Đảo của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH.
Kể từ khi Chương trình Vườn Di sản ASEAN được các nước ASEAN bắt đầu thực hiện đến nay, Việt Nam đã có 10 Khu bảo tồn Quốc gia được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Việc Bạch Mã và Côn Đảo dự kiến sẽ trở thành Vườn Di sản ASEAN thứ 54 và 55 của ASEAN sẽ góp phần nâng số lượng Khu bảo tồn Quốc gia của Việt Nam thành 12 Vườn Di sản ASEAN trong năm tới.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ACB lựa chọn Vườn Di sản ASEAN
Tại Lễ khai mạc chính thức chuỗi Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 và các hội nghị lên quan được tổ chức vào sáng ngày 5/10/2022, ở Siem Reap, tham dự và phát biểu khai mạc, Ngài Tin Ponlok, Quốc Vụ Khanh Bộ Môi trường Campuchia đã nhấn mạnh: “ASEAN đang chuẩn bị một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Chính phủ các nước thành viên ASEAN đã và đang tập trung vào công tác môi trường, phát triển kinh tế xanh, thành phố thông minh, phát triển bền vững… Đồng thời, các nhà lãnh đạo ASEAN đã và đang hoàn toàn tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào sản xuất và tiêu dùng bền vững cùng với nền kinh tế tuần hoàn...”.
Đại diện các nước thành viên ASEAN, Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia đã đề ra chiến lược với chủ đề "ASEAN cùng nhau giải quyết các thách thức chung", Campuchia đang tăng cường hợp tác khu vực với tất cả các bên liên quan để giải quyết các vấn đề môi trường khu vực và toàn cầu.
Hội nghị ASOEN 33 sau đó đã xem xét và báo cáo các hoạt động hợp tác của Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường gồm 8 lĩnh vực, cụ thể: BĐKH; Quản lý tài nguyên nước; Môi trường biển và đới bờ; Bảo tồn ĐDSH; Thành phố bền vững về môi trường; Hóa chất và chất thải; Giáo dục môi trường và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… Các Nhóm công tác đã báo cáo các hoạt động trong năm qua lên Chủ tịch ASOEN, đồng thời đề xuât kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN) trong giai đoạn tới. Quan chức ASEAN đã thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng thuộc hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN về lĩnh vực môi trường trong khuôn khổ hợp tác ASEAN thường niên.
Các Quan chức ASOEN chung tay giải quyết vấn đề về môi trường
Tiếp theo, ngày 6 - 7/10/2022, một chuỗi Hội nghị giữa ASEAN và các Đối tác đã được tổ chức liền kề ngay sau Hội nghị ASOEN 33, gồm: Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về môi trường lần thứ 2 (AJDEC), Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và BĐKH lần thứ 2; Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU về môi trường và BĐKH lần thứ 4; Đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và BĐKH lần thứ 2; Hội nghị cấp cao ASEAN +3 về môi trường.
Theo đó, đối thoại ASEAN - Nhật Bản về môi trường (AJDEC) lần thứ 2 được tổ chức nhằm xem xét tiến độ của các hoạt động chung trong khuôn khổ “Sáng kiến Hợp tác Môi trường ASEAN - Nhật Bản” ở cấp Bộ trưởng, bao gồm “Chương trình Hành động về BĐKH ASEAN-Nhật Bản 2.0”. Chương trình này đã nhận được sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong thời gian qua và thúc đẩy các hợp tác khả thi ASEAN- Nhật Bản trong thời gian tới.
Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc (ASEAN - ROK) về môi trường và BĐKH lần thứ 2, tại Hội nghị này, Việt Nam với vai trò là nước đồng chủ trì với Hàn Quốc đã điều hành Hội nghị.
Các Quan chức đã xem xét, rà soát và đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực về môi trường và BĐKH, đây là vấn đề các quốc gia đang rất quan tâm sau Hội nghị COP 26. Mục tiêu chính của Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc về môi trường và BĐKH được ghi nhận như sau: (i) Chia sẻ các chính sách về BĐKH và môi trường, bao gồm cả về năng lượng trong bối cảnh các quốc gia chung tay giải quyết vấn đề về BĐKH; (ii) Thảo luận về các chủ đề hoặc các dự án cụ thể có liên quan các lĩnh vực hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và trao đổi quan điểm về các thách thức khu vực và toàn cầu cũng như các vấn đề mới nổi trong các lĩnh vực liên quan.
Việt Nam là Đồng chủ trì tại Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và BĐKH
Phát biểu khai mạc Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và BĐKH, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế kiêm Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam, Bộ TN&MT đã nhấn mạnh “ BĐKH hiện nay đang trở nên nghiêm trọng hơn và đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất, là vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại. Các quốc gia ASEAN đang phải chịu nhiều tác động của BĐKH, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Việc thích ứng với BĐKH là vấn đề sống còn, giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề cấp thiết phải thực hiện để phát triển bền vững đất nước và bảo vệ hệ thống khí hậu và môi trường trong khu vực và toàn cầu. Tại Phiên họp thứ 26 của Hội nghị các bên tham gia UNFCCC (COP 26), các nước ASEAN đã cam kết giải quyết vấn đề BĐKH và thúc đẩy thực hiện các ưu tiên khu vực hướng tới một tương lai bền vững và thích ứng hơn. Hầu hết, trong số họ đã đưa ra các mục tiêu để đạt được mức phát thải ròng bằng không hoặc trở thành trung tính carbon vào khoảng giữa thế kỷ. Trong bối cảnh đó, ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN nhằm giải quyết những thách thức nêu trên trong những năm qua...”.
Thông qua Đối thoại này, Hàn Quốc và ASEAN tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác về môi trường, BĐKH, năng lượng nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu, hướng tới một xã hội giảm thiểu ô nhiễm các-bon, ứng phó với BĐKH.
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - EU về môi trường và BĐKH lần thứ 4 nhằm tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU về các thách thức chung của khu vực và toàn cầu liên quan đến BVMT và BĐKH. Với mục đích hoạch định chiến lược và vạch ra định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác và tăng cường quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU. Các chủ đề được nhắc đến gồm: (i) Sản xuất và tiêu dùng bền vững, các chính sách và thực tiễn cho nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon và ô nhiễm môi trường; (ii) phục hồi phát triển xanh sau COVID-19. Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến nội dung của Sáng kiến xanh Châu Âu nhằm hỗ trợ giải pháp tài chính cho các hoạt động của ASEAN- EU trong thời gian tới.
Ngày 7/10/2022, Hội nghị Quan chức Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và BĐKH lần thứ Nhất, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN +3 về môi trường lần thứ 19 được tổ chức với các ghi nhận như sau:
Đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ về môi trường và BĐKH được tổ chức lần đầu tiên sẽ tạo một diễn đàn để Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN trao đổi thông tin về mục tiêu hành động về môi trường và BĐKH, với tham vọng đạt được mục tiêu giảm phát thải và nâng cao khả năng phục hồi.
Đối thoại lần thứ nhất sẽ tập trung vào việc xây dựng Kế hoạch Hành động về môi trường và BĐKH ASEAN - Hoa Kỳ, dựa trên Kế hoạch Hành động về BĐKH của Nhóm Công tác ASEAN về BĐKH (AWGCC) đã kết nối được sự tham gia của các nước thành viên ASEAN.
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN +3 về môi trường lần thứ 19 theo định kỳ được tổ chức với sự tham dự đông đủ của các quốc gia thành viên ASEAN cùng các nước Đối tác chiến lược Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hội nghị rà soát, đánh giá các hoạt động đã hoàn thành và đang thực hiện đồng thời xem xét các đề xuất mới trong khuôn khổ Hợp tác môi trường ASEAN + 3 trong các năm 2022 và 2023. Các nội dung về Sáng kiến ASEAN + 3 về Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa biển được thảo luận cụ thể. Hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo về tiến độ thực hiện Khung chiến lược hợp tác Môi trường ASEAN - Trung Quốc (giai đoạn 2021-2025), Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc về môi trường và Sáng kiến Hợp tác ASEAN - Nhật Bản về môi trường...
Có thể coi đây là sự kiện về môi trường quan trọng trong năm 2022. Chuỗi Hội nghị với sự tham gia khoảng hơn 100 đại biểu của ASEAN và các nước đối tác ASEAN đã trải qua một tuần làm việc đầy hiệu quả tại Siem Reap, Campuchia.
Đoàn công tác của Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào các hoạt động của chuỗi Hội nghị. Với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, Đoàn được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao và hy vọng Việt Nam sẽ cùng các quốc gia tăng cường hợp tác chặt chẽ về môi trường trong giai đoạn tới.
Trương Thị Tuyết Nhung
Văn phòng ASOEN Việt Nam - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)