21/12/2022
Thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022, ngày 19/12/2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Đây là một hoạt động giám sát rất quan trọng của Quốc hội nhằm nghe báo cáo, trao đổi làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đồng thời đề xuất giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Trước đó, Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã khảo sát thực tế vấn đề này tại một số địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp
Cụ thể, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổng hợp, nghiên cứu tài liệu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức khảo sát tại 4 địa phương, gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng và tỉnh Đồng Nai về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý CTRSH, làm việc với UBND tỉnh, thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn. Qua khảo sát, tổng hợp báo cáo cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về BVMT nói chung và công tác quản lý CTRSH nói riêng trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/0/2019 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2019 (Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn). Tại các địa phương, công tác quản lý CTRSH được các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phát sinh hàng ngày từng bước được nâng lên. Việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải từng bước được cải thiện. Công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút sự tham gia của các thành phần trong xã hội…
Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ TN&MT, Xây dựng trong thời gian qua đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý CTRSH theo quy định pháp luật. Ngay sau khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT. Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý CTRSH còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa ban hành hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cụ thể như: Chưa ban hành văn bản hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý CTRSH theo công nghệ bám sát với thực tiễn, chưa hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá dịch vụ xử lý, chưa rõ danh mục công nghệ xử lý CTRSH được khuyến khích, cơ chế khuyến khích các dự án đốt rác phát điện chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn… Tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh. Tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân. Tại các địa phương khảo sát đều tồn tại những trạm trung chuyển/điểm sang tiếp rác tạm thời, không bảo đảm quy định về quy chuẩn xây dựng. Việc lựa chọn địa điểm các khu vực tập kết, trạm trung chuyển rất khó khăn, hay gặp phải sự phản đối của người dân do việc tập kết, trung chuyển rác thải thường gây mất vệ sinh. Nhiều điểm tập kết rác thải tự phát xuất hiện ngay cả trong khu vực trung tâm đô thị TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong việc phân loại, lưu giữ, thu gom, tập kết CTRSH còn hạn chế. Nhiều nơi, người dân chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, một số hộ gia đình, cá nhân chưa đóng tiền chi trả dịch vụ vệ sinh môi trường đầy đủ. Do vậy. trong khuôn khổ Phiên giải trình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số địa phương đã đề nghị Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan làm rõ trách nhiệm ban hành, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu kỹ thuật về BVMT điểm tập kết, trạm trung chuyển (khoản 2 Điều 76 Luật BVMT); trách nhiệm ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn (khoản 5 Điều 78 Luật BVMT); hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH; hướng dẫn việc thực hiện quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân (khoản 5 Điều 79 Luật BVMT); hướng dẫn đóng bãi chôn lấp CTRSH (khoản 4 Điều 80 Luật BVMT)…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình tại Phiên họp
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/2/2019 được ban hành, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật BVMT năm 2020, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022, trong đó có nhiều nhiều quy định mới, cụ thể so với trước đây về quản lý CTRSH, bao gồm quy định về phân loại chất thải tại nguồn, lộ trình hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH; thu giá, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH… Ngoài ra, để sớm đưa Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vào thực tiễn cuộc sống, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định mới của Luật, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý CTRSH, thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn...
Để công tác xử lý CTRSH được hiệu quả, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện vấn đề này. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật BVMT năm 2020, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện thí điểm, sớm hơn lộ trình quy định của Luật BVMT trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn; thu giá, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng, bao bì chứa tại một số tỉnh, thành phố lớn. Triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý của mình. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý CTRSH; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực: các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như sự giải trình của Bộ TN&MT và các Bộ ngành liên quan đối với những câu hỏi, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện các địa phương, doanh nghiệp... Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ TN&MT, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần có sự đánh giá về việc thực hiện Luật BVMT năm 2020 áp dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Bởi thực tế, các Bộ ngành, địa phương đã có báo cáo về những kết quả đạt được và đề cập về khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất nhưng chưa có báo cáo ý kiến, phản ánh của cử tri, dư luận xã hội về vấn đề tồn đọng trong xử lý CTRSH, rác thải ở những bãi chôn lấp, tồn ứ rác thải ở các đô thị, đầu tư xây dựng rác thải ở các địa phương... Vì vậy, cần có thêm báo cáo phản ánh rõ hơn về nội dung này cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, giải quyết thu gom rác thải ở các địa phương. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm trong xử lý rác thải, cơ chế để địa phương xử lý CTRSH; Đánh giá về các mô hình tốt cần được triển khai rộng, phát huy nguồn lực của địa phương thực hiện xử lý rác thải biển.
Quang cảnh Phiên giải trình
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát các nội dung liên quan đến xử lý rác thải trong Luật BVMT; đồng thời đề nghị Ủy ban phối với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét vấn đề tài chính, công nghệ, kinh tế, đầu tư cho xử lý CTRSH. Theo đó, cần có sự tư vấn, tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại liên quan đến xử lý CTRSH. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những vấn đề mà Bộ TN&MT đề xuất về cơ chế, chính sách cần có sự giải quyết dứt điểm, tạo an toàn với người dân...
An Bình