Banner trang chủ

Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam

18/11/2020

     Ngày 17/11/2020, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNESCO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT, bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; đại diện một số tổ chức quốc tế (JICA, IUCN, WWF…), Ban Quản lý các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, một số cơ quan và tổ chức về bảo tồn trong nước…

     Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được sau 20 năm Việt Nam tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của UNESCO. Đồng thời, thảo luận về các giải pháp quản lý bền vững và định hướng phát triển mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc Hội thảo

 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, là một trong những giải pháp then chốt để bảo đảm cân bằng sinh thái, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bệnh dịch, bảo đảm an ninh lương thực, duy trì đời sống vật chất và tinh thần của con người”. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam chủ động hội nhập, ký kết và thực hiện tốt nhiều Công ước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, như  Công ước Đa dạng sinh học; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, Công ước Di sản thế giới; Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước… Đặc biệt, với vai trò là thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Việt Nam đã tham gia và thực hiện hiệu quả Chương trình Con người và Sinh quyển do UNESCO khởi xướng từ năm 1971. Việc thiết lập và quản lý các khu dự trữ sinh quyển là một sáng kiến thể hiện tiếp cận phát triển bền vững, con người là trung tâm của hệ sinh thái và giải quyết hài hòa các mục tiêu bảo tồn và phát triển trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là một cách tiếp cận phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hướng tới tầm nhìn 2050 của Chiến lược toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học là “sống hài hòa với thiên nhiên”.

     Hiện nay, Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận với tổng diện tích hơn 4,1 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của hơn 2,3 triệu người và cũng là những khu vực có giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Việc được công nhận là  khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo nhiều cơ hội để con người được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường” cho GS.TS Nguyễn Hoàng Trí

 

     Tại Hội thảo, đại diện của 9 Ban Quản lý các Khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Kiên Giang, Châu thổ sông Hồng, quần đảo Cát Bà, miền Tây Nghệ An, Cà Mau, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai, Langbiang đã có những báo cáo tham luận về tổng quan và bài học kinh nghiệm của mình trong quá trình phát triển. Theo đó, tại các khu dự trữ sinh quyển, trong thời gian qua đã có nhiều khởi xướng, nỗ lực để triển khai các Chiến lược và Kế hoạch hành động LIMA của  Chương trình Con người và sinh quyển, nhằm  cải thiện sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tồn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.  Những nỗ lực này đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài

chụp ảnh kỷ niệm với 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động bảo tồn

và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

 

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, liên quan đến hành lang pháp lý, tổ chức, nguồn lực, khiến cho việc thực hiện mục tiêu quản lý các khu dự trữ sinh quyển vẫn còn han chế. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UNDP thực hiện Dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ và sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2024.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Nhân dịp này, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An) và 4 cá nhân (GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam; Ông Lê Văn Sinh - Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; Ông Nguyễn Viết Cách – Nguyên Trưởng Ban Thư ký Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Bà Trần Thị Hồng Thúy - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An) vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Cuối cùng, Bộ TN&MT cũng trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ môi trường” cho GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam về những công lao, đóng góp to lớn của ông trong việc thành lập, phát triển, hỗ trợ quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

 

Nguyễn Hằng

 

Ý kiến của bạn