Banner trang chủ

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

06/12/2023

Ngày 5/12/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, kinh tế biển đã có được những bước phát triển quan trọng, xây dựng được nền tảng và tạo ra động lực phát triển cụ thể cho từng địa phương trên địa bàn cả nước. Qua đó, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo với mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế biển đóng góp vào nền kinh tế đất nước; giải quyết các vấn đề quốc tế; thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác, làm sụp đổ các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta.

Đại tá Nguyễn Quốc Doanh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân

    Bàn về vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh tình hình mới, Đại tá Nguyễn Quốc Doanh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân khẳng định, Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên nhiều phương diện như: quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Chính vì vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và tăng cường công tác quốc phòng an ninh trên các vùng biển, đảo, đặc biệt là vùng biển phía Bắc, Trường Sa và vùng biển phía Tây Nam. Từ đó, xây dựng cụ thể các chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng môi trường hòa bình ổn định gắn liền với công tác bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

    Thượng tá, TS Nguyễn Thanh Minh, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển cũng cho rằng, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cần thực hiện đồng thời với công tác duy trì hoà bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải trên biển Đông; giải quyết các tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

    Điện gió ngoài khơi là một hình thức phát điện đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển kinh tế chung thế giới, hướng tới các dạng năng lượng tái tạo có hàm lượng các-bon thấp. TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho biết, so với sản xuất điện từ than, lượng phát thải các-bon của điện gió ngoài khơi là rất thấp, phù hợp với xu thế kinh tế xanh hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, dự tính tới năm 2040, sản lượng điện gió ngoài khơi vào khoảng 170 TWh/năm và đạt 330 TWh/năm, trong đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thái Bình là các tỉnh có tiềm năng xây dựng điện gió gần bờ với diện tích khoảng 14.330 km2. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch khai thác tổng thể tài nguyên vùng bờ; thực hiện quy hoạch điện 8 với điện gió ngoài khơi; phân cấp, phân bố cụ thể vị trí dự án, mức đầu tư… Đồng thời, xây dựng các chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh và hoàn thiện các bộ luật có liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Đất đai…

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo cùng đại diện một số cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo đã đưa các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nhằm phát triển bền vững du lịch biển đảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đề xuất cần giải quyết các mâu thuẫn chồng chéo trong vấn đề quy hoạch không gian biển, vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, chú trọng đầu tư công trình hạ tầng và giao thông hàng hải. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp liên ngành, hợp tác liên vùng và giữa các địa phương trong đầu tư khai thác sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế xã hội gắn liền với BVMT. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường công tác thông tin đối ngoại nhằm củng cố niềm tin, sự ủng hộ của bác bạn bè quốc tế đối với quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong giải quyết những vấn đề trên biển Đông trong tình hình mới. Song song với đó là xây dựng các kế hoạch truyền thông đối nội giúp người dân, doanh nghiệp bằng những câu chuyện thực tiễn gắn liền với vấn đề BVMT, từ đó xây dựng và nâng cao nhận thức của họ về tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế biển bền vững.

Phùng Quyên - Trần Tân

Ý kiến của bạn