Banner trang chủ

Phát huy các giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững

25/09/2024

    Ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững” nhằm trao đổi, chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển rừng bền vững. Từ đó, đề xuất, hiến kế các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại Hội thảo

    Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ), do đó, lâm nghiệp có vai trò quan trọng về kinh tế và sinh thái của hầu hết các vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Việt Nam thuộc TOP 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải các-bon cao nhất thế giới và là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ các-bon, trong đó, ngành nông nghiệp từ chăn nuôi, trồng trọt đều có triển vọng cung ứng tín chỉ các-bon, đặc biệt là Rừng. Việt Nam hiện có hơn 14,8 triệu hécta rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn các-bon. Theo đánh giá, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 tới 70 triệu tấn tín chỉ các-bon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công. Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường các-bon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024. Theo đó, các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đã cam kết.

    Bên cạnh đó, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác lập tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 15,848 triệu ha (gồm: 2,455 triệu ha đất rừng đặc dụng, 5,230 triệu ha đất rừng phòng hộ và 8,164 triệu ha đất rừng sản xuất). 5 năm qua, diện tích, độ che phủ của rừng tăng ổn định (năm 2017, tổng diện tích có rừng 14.415.381 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, đến 2023 đạt 14.820.513 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,50 %). Diện tích rừng tăng do tăng rừng trồng mới bình quân hơn 105 nghìn ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi rừng gần 25 ha/năm. Đây nỗ lực vượt bậc, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, những người làm nghề rừng và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ông Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT tháng 12/2020, giai đoạn 2011 - 2018 bình quân mỗi năm nước ta đã giảm phát thải khí nhà kính 18,3 triệu tấn/năm do ngăn chặn suy thoái, mất rừng; tăng lượng hấp thụ kính nhà kính 38,5 triệu tấn/năm. Như vậy, tổng lượng tăng hấp thụ phát thải dòng khí nhà kính từ rừng bình quân 56,8 triệu tấn/năm. Những năm tới, dư địa tăng diện tích rừng nước ta là hữu hạn, nhưng tiềm năng nâng cao chất lượng rừng (theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021), tăng bể chứa các-bon đồng nghĩa với tăng hấp thụ phát thải dòng khí nhà kính còn rất lớn. Cũng theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, mật độ CO2 bình quân chứa trong 1 ha rừng rất khác nhau phụ thuộc vào chất lượng rừng, chẳng hạn rừng tự nhiên thường xanh giàu là 143,33 tấn/ha; rừng thường xanh trung bình 69,94 tấn/ha; rừng thường xanh nghèo 31,95 tấn/ha; rừng trồng 27,29 tấn/ha. 

    Tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp có trách nhiệm đóng góp giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC) là 70% tổng lượng tăng hấp thụ phát thải dòng từ rừng. Như vây, mỗi năm ngành lâm nghiệp có khoảng 17 triệu tín chỉ CO2 (1 tấn tăng tăng hấp thụ phát thải dòng khí nhà kính tương đương 1 tín chỉ).

Toàn cảnh Hội thảo

    Các đại biểu tại Hội thảo đã được nghe báo cáo về cơ sở pháp lý và các chính sách của Việt Nam về quản lý, phát triển và khai thác các nguồn lợi từ rừng của đại diện Bộ NN&PTNN, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và khối tư nhân. Hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

    Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1: “Phát huy hiệu quả giá trị nguồn lợi từ rừng: Kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án phát triển và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển rừng bền vững”sẽ tập trung phân tích về chính sách, quy định với các doanh nghiệp, chủ thể liên quan trong phát triển rừng bền vững, những kinh nghiệm thực tiễn, các thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ. Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lợi từ rừng cũng như lời khuyên cho các doanh nghiệp, chủ thể khác, khi triển khai các dự án về rừng. Phiên thảo luận 2: “Thị trường tín chỉ các-bon và tiềm năng phát triển tín chỉ các-bon rừng” tập trung vào vai trò của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ các-bon rừng, các vấn đề kỹ thuật, khó khăn và thách thức được coi là cản trở đáng kể đối với sự tham gia của khối tư nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ các-bon rừng.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn