17/03/2022
Chiều ngày 16/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực TN&MT.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 24 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về các vấn đề: Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai; Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này; Kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; Ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp hiệu quả thu gom và xử lý rác thải, nhất là rác thải có chứa chất lây nhiễm Covid-19. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả chiến dịch hạn chế dùng túi chất dẻo, túi ni lông và cần có giải pháp gì để đạt hiệu quả cao hơn?
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường và đô thị đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nước thải và rác thải. Bộ Xây dựng cho biết hiện nay mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%. “Cùng với đó, cả nước đang thải 60.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT có biện pháp gì xử lý rác này và hoàn nguyên các bãi rác hiện có” - Đại biểu Nguyễn Quang Huân chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề chính sách, pháp lý quy định trách nhiệm xử lý rác thải đã có đầy đủ trong Luật BVMT năm 2020, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Vấn đề khó khăn nhất là thu gom, cần sự vào cuộc của tất cả các hệ thống từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Trước đây, việc xử lý rác thải, chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với quan điểm rác thải phải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng, do đó, trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ đánh giá lại toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải, công bố các công nghệ phù hợp với từng địa phương đảm bảo đồng bộ về phương pháp thu gom, phân loại, xử lý. Do đó, địa phương sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với mình, nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc này, tuy nhiên về lâu dài cần phải xã hội hóa vấn đề này để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Đối với chất thải liên quan đến chất lây nhiễm Covid-19, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thông tin, Bộ xác định từ đầu đây là chất thải nguy hại, cần quy trình xử lý đặc biệt. Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ TN&MT xác định đối tượng, phương pháp thu gom, cung cấp cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý. Bên cạnh đó, với chức năng quản lý, Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng trong việc lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý, kể cả các trường hợp khi mai táng bệnh nhân tử vong.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật, đặc biệt là các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Trong thời gian tới, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Các địa phương cũng cần ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về BVMT trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước đây; lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Trả lời chất vấn về nội dung liên quan đến vấn đề nước thải gây ô nhiễm các lưu vực sông Nhuệ - Đáy của đại biểu Phạm Hồng Thắng (đoàn Hà Nam) và vấn đề ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông. Bộ TN&MT kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị đóng cửa đơn vị vi phạm. Về lâu dài, tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Từ đó, thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông. Tăng cường hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, đồng thời địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông. Ngoài ra, cần xây dựng các cụm công trình trạm bơm nước để bổ sung nguồn nước vào sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải để tạo dòng chảy, giảm ô nhiễm…
Quang cảnh Phiên chất vấn. (Ảnh: daibieunhandan.vn)
Đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh lớn, nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh. Bộ trưởng đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm, đồng thời, đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó, nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngay sau Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng thực hiện quyết liệt các cam kết đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đại biểu Quốc hội tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát, góp phần làm tốt hơn nữa chức năng xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, lắng nghe, phản ánh nguyện vọng của cử tri, động viên nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Mai Hương (Tổng hợp)