Banner trang chủ

Nghị quyết thuận thiên và Chiến lược 8G để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thịnh vượng

17/03/2021

     Ngày 13/3/2021, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại đây, Thủ tướng đã đưa ra chiến lược gói gọn trong 8 chữ “G” để ĐBSCL sẽ cất cánh, phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ

     Với tinh thần “thuận thiên”, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là Chiến lược khá toàn diện. Từ 2018 đến nay, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều chủ trì Hội nghị đánh giá sơ kết để tiếp tục điểm lại những việc đã làm được và khó khăn vướng mắc.

     Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019 - 2020, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn “thuận thiên”, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Đời sống văn hóa, tinh thần từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng từng bước được bảo tồn, phát huy khai thác hiệu quả phục vụ người dân ĐBSCL và cả nước cũng như các du khách quốc tế… Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực chủ động của các Bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, sự quan tâm và tham gia hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo sâu sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết cùng với những giải pháp hiệu quả.

     Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với BĐKH toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.

     Trong hơn 3 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặc biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông... Bên cạnh đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành sau Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nên mặc dù nguồn lực thực hiện Nghị quyết đã được quan tâm, thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19, để tập trung nguồn lực cho các chương trình, dự án tạo ra động lực để thực hiện chuyển đổi quy mô lớn. Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, số liệu, dữ liệu mới được quan tâm thúc đẩy trong thời gian gần đây nên chưa cung cấp đủ cơ sở, luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch; chưa làm rõ được thế mạnh của vùng về nông nghiệp, du lịch, biển đảo để đề xuất các giải pháp hiệu quả, các chương trình, dự án thúc đẩy ngành kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch, công nghiệp chế biến cũng như kinh tế nông nghiệp đồng bộ về thị trường, công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị và tính cạnh tranh của hàng hóa…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030

    Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã tổ chức “Đối thoại 2045” nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045, thực hiện di nguyện “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo chương trình nghị sự, sẽ có ít nhất một cuộc “Đối thoại 2045” như vậy được tổ chức ở vùng đất Chín Rồng để tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này đi lên, không chỉ sánh vai cùng cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng như tiêu đề Hội nghị hôm nay. 

    ĐBSCL là vùng đất nhân kiệt, nơi đã sinh ra và có đủ yếu tố hội tụ nhiều nhân tài nơi khác đến. Chúng ta cần xem đây một nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định. Trong Chiến lược ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất là nhân lực, là con người, là chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc và lòng dũng cảm. Nhân dịp này, Thủ tướng khởi xướng tới đây ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất Chín Rồng để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.

     Giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị sớm các kỹ năng cần thiết cho người lao động, thích ứng với nhu cầu thị trường. Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng và triển khai đề án này.

     Đối với thị trường đất đai, cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi diện tích sang các cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn và có khả năng thích ứng với diễn biến của biến đổi khí hậu, đảm bảo thu thập và sinh kế bền vững của người dân. Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì thực hiện, để chuẩn bị thay thế quy hoạch sử dụng đất các tỉnh ĐBSCL đến năm 2020 đã hết thời hạn. Thủ tướng cũng cho biết Luật Đất đai sẽ được lấy ý kiến sửa đổi vào cuối năm nay.

Quang cảnh Hội nghị

    Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng ĐBSCL; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự  án đã được quy hoạch. Nhấn mạnh, “lộ thông thì tài thông” (tài là tài lực), Thủ tướng đề nghị phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế vùng đất Chín Rồng.

    Thủ tướng đề nghị nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời qua đó chia sẻ trở lại nguồn thu để hỗ trợ các địa phương bị tác động nặng bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu suy cho cùng cũng chỉ là những biến đổi mang tính ngoại sinh, một khi chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta sẽ phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông, Thủ tướng nêu rõ.

     Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. Biến đổi khí hậu không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, chúng ta phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp.

Chiến lược “8G” để vùng đất “Chín Rồng” cất cánh trong tương lai

    Chữ “G” thứ nhất là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu. Chúng ta đưa ra Nghị quyết 120/NQ-CP với tinh thần là “thuận thiên”, là thích ứng nhưng “không phải chúng ta phụ thuộc trời đất, tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần phải được quan tâm, những nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào chúng ta thì cần phải được quan tâm”.

     Chữ G thứ hai là Giáo. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”. Giáo dục thứ nhất là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần phải được học hết bậc phổ thông, không được để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Giáo dục thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập. Thủ tướng cho rằng trong Nghị quyết 120, vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét nên đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết.

     Chữ G thứ ba là  “Giang” (sông). Theo Thủ tướng, kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”

     Chữ G thứ tư là  “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắng liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững. Chữ G thứ 5 là  “Giàu”. Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.

     Chữ G thứ 6 là  “Giỏi”, là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL. Chữ G thứ 7 là  “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện.

     Chữ G thứ 8 là “Giới”, tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Trường Sơn - Mai Hương

 

Ý kiến của bạn