09/05/2022
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH) với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH. Chủ đề Ngày quốc tế ĐDSH năm 2022 là "Xây dựng một tương lai chung cho tất cả sự sống" nhằm nhấn mạnh ĐDSH chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân cần được áp dụng. Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cũng là chìa khóa cho nhiều thách thức trong phát triển bền vững, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, phục hồi hệ sinh thái để xây dựng một tương lai bền vững chung cho mọi sự sống.
Các vùng đất ngập nước góp phần điều tiết dòng chảy lũ
Luật BVMT tạo lập chính sách để bảo tồn ĐDSH
ĐDSH và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Cụ thể như các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn sóng và bảo vệ bờ biển. Các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ, rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các hệ sinh thái cũng kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng, do đó tiết kiệm chi phí đầu tư của Chính phủ.
Mặc dù vậy, ĐDSH trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người (IBPES, 2019). Tình trạng này đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn ĐDSH, sống hài hòa với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển bền vững.
Luật BVMT số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ X và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý môi trường sẽ bước sang một giai đoạn mới, với nhiều điểm đột phá, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển kinh tế bền vững; hay nói cách khác yếu tố “thiên nhiên” là một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật BVMT 2020.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2607/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm tập trung vào các khu vực ưu tiên là đối tượng của quy hoạch bảo tồn ĐDSH, trong đó bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái thảm cỏ biển. Đề án đề ra với mục tiêu chung là thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia nhằm đánh giá hiện trạng, giá trị, diễn biến ĐDSH phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản lý ĐDSH của các Bộ, ngành, địa phương và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của các tổ chức và doanh nghiệp.
Luật BVMT đã chính thức luật hóa một cách thống nhất chế định “di sản thiên nhiên”. Nội dung này hết sức quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng của Việt Nam đối với một trong những tài sản giá trị nhất của Trái đất. Tăng cường kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới thiên nhiên, ĐDSH, thể hiện rõ trong các quy định về quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, phân vùng môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường… Bên cạnh đó, Luật cũng tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên nhằm tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia. Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg.
Đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học
Để hưởng ứng Ngày quốc tế ĐDSH năm 2022, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền để phổ biến tới cán bộ và người dân về vẻ đẹp, vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH, các di sản thiên nhiên; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH. Huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững ĐDSH, di sản thiên nhiên; tạo cơ chế để có thể huy động các lực lượng tham gia vào công tác bảo tồn, thông qua các cơ chế đồng quản lý, cơ chế tự quản và các mô hình hợp tác công tư nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững thiên nhiên, ĐDSH. Lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến ĐDSH như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Ưu tiên về công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong thời gian tới đó là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; phục hồi và bảo đảm tính toán vệ, tính kết nối của hệ sinh thái; ĐDSH được sử dụng bền vững góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng quyền và lợi ích của cộng đồng và các bên liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH theo định hướng nội dung mới của Luật BVMT đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTG vào ngày 28/1/2022.
Trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ khôi phục hệ sinh thái của Liên hợp quốc, các Bộ, ngành, địa phương cần có định hướng và tích cực áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, bao gồm tiếp cận hệ sinh thái, cân nhắc lồng ghép nội dung bảo tồn ĐDSH trong phát triển các ngành kinh tế, thực hiện nghiêm túc đánh giá ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường nhằm giải quyết đồng thời mất ĐDSH, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững, sinh vật ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường đã được tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tác động; Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ĐDSH, số hóa quản lý di sản thiên nhiên được quan tâm đẩy mạnh, hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường; Nghiên cứu các giải pháp phục hồi hệ sinh thái. Đồng thời thiết lập, củng cố hệ thống thông tin về ĐDSH, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, với từng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ và thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu ĐDSH; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm hướng tới mẫu hình tiêu thụ bền vững đối với tài nguyên sinh vật, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong bảo tồn ĐDSH.
Nam Việt
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)