22/12/2022
Ngày 22/12/2022, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng các Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành, Trần Quý Kiên, Nguyễn Thị Phương Hoa đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở TN&MTT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về công tác TN&MT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tham luận về: Báo cáo tóm tắt một số nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); công tác triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; kế hoạch chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề xuất kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm ngành TN&MT năm 2023; kế hoạch thanh, kiểm tra… Qua đó cho thấy, trong thời gian, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành TN&MT luôn nỗ lực, chủ động triển khai công tác quy hoạch, đề xuất các cơ chế đặc thù để có những đóng góp tích cực, tạo chuyển biến, góp phần khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, thể hiện bằng những chỉ số cụ thể; phát huy các nguồn lực tài nguyên, môi trường với mức đóng góp trên từ gần 25% thu nhân sách nội địa, trong đó riêng thu từ đất đai đã chiếm 20% ngân sách, có những địa phương chiếm 30 - 40%. Chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay, đã hoàn thành triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 56/63 tỉnh/thành phố với dữ liệu của 309/705 đơn vị cấp huyện, 4.267/10.599 đơn vị cấp xã. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính.
Đối với lĩnh vực môi trường, cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 202; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh, ttừ 12,53% (năm 2016) xuống 4,03% (năm 2021) và 1,55% (năm 2022); các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021. Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt 88,46%; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục giảm 2,6%; trung bình hàng năm cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, để triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020, trong thời gian qua, Bộ TN&MT, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức rà soát văn bản pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Đồng thời, xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền tổng quan về các điểm mới của Luật BVMT gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Lãnhđạo Bộ và Lãnh đạo Tổng cục đã trực tiếp chủ trì, tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn các quy định, chính sách mới về BVMT theo vùng và tại các địa phương trên cả nước,trong đó có nhiều hội thảo được phổ biến đến cán bộ cấp phường, xã. Nội dung tập huấn đã tập trung vào việc triển khai các thủ tục hành chính theo quy định của Luật như đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường; triển khai các quy định về đăng ký môi trường, quản lý chất thải, quan trắc chất thải... Cùng với đó, đã ký nhiều văn bản trả lời các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn thực hiện một số quy định, chính sách mới theo quy định của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cũng được lãnh đạo UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Sở TN&MT đã tham mưu ban hành kế hoạch và tổ chức các hội thảo tập huấn, phổ biến các quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn đến các ngành, các cấp huyện, xã và các doanh nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, Tổng cục Môi trường đã xây dựng, tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; trình Lãnh đạo Bộ ban hành 1 Thông tư (Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành 1 Nghị định (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã bao gồm các tiêu chí về BVMT trong xây dựng và phát triển nông thôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật BVMT, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.
Nhân dịp này, lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh/thành phố cũng đã chia sẻ những khó khăn từ địa phương khi triển khai chính sách trong thực tế, nhất là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính phủ điện tử. Bên cạnh đó là việc thành lập các đơn vị quản lý ở những địa phương có biển; vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, biến đổi khí hậu, biển đảo, liên thông thuế điện tử, đất nông lâm trường, xây dựng, quy hoạch…
Ghi nhận những ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề trong chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đây là năm sẽ rà soát kế hoạch, chương trình của ngành, tập trung hoàn thiện thể chế và cũng là thời điểm ngành TN&MT thực hiện phương châm chủ động, toàn diện trong xây dựng chính sách, trong tổ chức thực hiện, hội nhập quốc tế, tận dụng thời cơ từ các xu thế thời đại, trong phòng ngừa nguy cơ để tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển đất nước. Do đó, cần triển khai nhiều hơn nữa các hội nghị giao ban công tác theo quý, tháng để tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn. Đối với những vấn đề lớn, cấp bách, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT địa phương có thể liên hệ trực tiếp về Bộ, để Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết. Về 4 nhóm vấn đề tham luận nêu trên, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở TN&MT địa phương với trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác ngành TN&MT để xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai hiệu quả.
Bùi Hằng