Banner trang chủ

Ngành Tài nguyên và Môi trường: Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển bền vững

24/12/2022

    Ngày 23/12/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong năm 2022, thực hiện phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ TN&MT luôn theo sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) sau đại dịch. Nhờ đó, toàn ngành TN&MT đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2022, đóng góp trực tiếp, quan trọng cho phát triển KT - XH đất nước.

    Theo đó, Bộ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai việc tổng kết, trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 Nghị định, 2 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư; Xây dựng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức lấy ý kiến nhân dân; Hoàn thành việc tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 và sửa đổi Luật Tài nguyên nước gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ vào tháng 1/2023… Nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật mới được ban hành đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch, thiết lập sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực tài nguyên.

    Với tinh thần cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ TN&MT đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong 6 lĩnh vực: đất đai, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo và đa dạng sinh học. Về cải cách hành chính của Bộ, năm 2021 (Paindex) đạt 87.14/100 điểm, xếp thứ 6/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ; chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI 2021) xếp thứ 7/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 8 bậc).

    Đối với việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, Bộ đã trình Chính phủ  ban hành Nghị  định  số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT; trong đó, tổ chức lại 4 Tổng cục trực thuộc Bộ. Sau khi kiện toàn đã giảm mạnh đầu mối trung gian; giảm số lượng lớn lãnh đạo, quản lý và biên chế tham mưu tổng hợp.

    Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường. Toàn ngành đã triển khai 839 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.483 tổ chức, cá nhân; trong đó có 19 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 820 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 443 tổ chức, cá nhân với số tiền 38.240 triệu đồng; kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 12.380 triệu đồng; Tiếp nhận 3.105 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; Xác minh 98/120 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ…

Quang cảnh Hội nghị

    Đối với tài nguyên khoáng sản, năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi); Trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai lập, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nguồn thu từ khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách Nhà nước là 4.115 tỷ đồng), đạt 131,5%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,5% so với năm 2021, đóng góp 1 điểm phần trăm cho tăng trưởng chung.

    Ngoài ra, triển khai cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, chủ động hội nhập với “Luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP 26, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, ngành TN&MT đã tập trung tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập thị trường các-bon tại Việt Nam theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2020.

    Về công tác BVMT, Bộ đã ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020; Tổ chức Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định mới của Luật; Xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng; Giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao; Hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, có 91% số khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt khoảng 1,24 triệu m3 nước thải/ngày đêm; 90,5% KCN có hệ thống quan trắc nước thải tự động; 88,6% KCN đã được xác nhận hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình BVMT…

    Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý TN&MT vẫn tồn tại một số hạn chế như: Việc triển khai số hóa dữ liệu đất đai còn chậm, mới hoàn thành ở 31% số đơn vị hành chính cấp huyện, đang triển khai dự kiến hoàn thành trong năm 2023 hơn 250 đơn vị hành chính cấp huyện; Tiềm năng về kinh tế biển chưa được phát huy đầy đủ…

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao Bộ TN&MT với tư cách là Bộ quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết đến người dân và doanh nghiệp đã lấy kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Đồng thời, thể hiện được bản lĩnh vững vàng để chuyển hóa những thách thức thành cơ hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đối với phương hướng phát triển của ngành năm 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ TN&MT cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển; Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, các lĩnh vực TN&MT; Có các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an ninh nguồn nước; Đẩy mạnh quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững KT - XH; Thực hiện tốt công tác kiểm soát, BVMT. Cùng với đó, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; Chủ động hội nhập với các xu thế của thời đại, huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ quốc tế thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể xuất sắc trong công tác năm 2022

    Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể xuất sắc trong công tác năm 2022; Bộ TN&MT tặng Cờ thi đua cho 23 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 ngành TN&MT.

Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN&MT với Sở TN&MT các địa phương và các Bộ/ngành liên quan

   Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết, Lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp đối với ngành TN&MT. Với mỗi ý kiến, kiến nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đều có những giải thích, trả lời và chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp giải quyết.

⁎ Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

     Đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT, đồng thời đề nghị Bộ TN&MT cần nhanh chóng, khẩn trương trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Trình Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn; Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

⁎ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp

   Đề nghị Bộ TN&MT khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để địa phương quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định, nhằm phát triển KT - XH địa phương, thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước.

⁎ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo

    Luật BVMT năm 2020 liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến để giúp Luật BVMT năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống là một công tác quan trọng, trọng tâm và cần được chú trọng đẩy mạnh. Thời gian tới, Bộ TN&MT cần tiếp tục tổ chức các Hội nghị, Hội thảo tập huấn cho các địa phương.

Mai Hương

 

Ý kiến của bạn