17/05/2021
Ngày 23/5/2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ chính thức được tiến hành. Diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do vậy, việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân là điều kiện then chốt.
Cuộc bầu cử bước vào giai đoạn nước rút
Cuối tháng 4/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người ứng cử để bầu ra 500 ĐBQH khóa XV. Đây là danh sách đã được chọn lọc kỹ lưỡng, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật sau 3 vòng hiệp thương. Trong số 868 ứng cử viên ĐBQH, có 203 người được Trung ương giới thiệu ứng cử; 665 người ở địa phương, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu, trong đó có 9 người tự ứng cử. Về cơ cấu, 393 người ứng cử là phụ nữ, chiếm tỷ lệ trên 45%, tăng 6,31% so với khóa trước. Điều này tạo cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nữ trong hoạt động của Quốc hội lên 35 - 40%, thực hiện tốt hơn bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trị.
Cũng trong danh sách, có 185 ứng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 21%, cao hơn so với quy định ít nhất 18%; 74 ứng cử là người ngoài Đảng, chiếm hơn 8,5%, được cho là điểm đáng chú ý, khẳng định tính bình đẳng trong thực hiện quyền ứng cử, không phân biệt là đảng viên hay người ngoài Đảng, chú trọng chất lượng ứng viên, để từ đó, phát huy trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội.
Những ngày qua, các ứng cử viên đã có thời gian gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để giới thiệu, chứng tỏ với cử tri về năng lực, phẩm chất, khả năng đóng góp của mình cho nhân dân, đất nước để vận động bầu cử. Nói cách khác, đó là cuộc "sát hạch" trực tiếp, trực diện của cử tri đối với người ứng cử. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến, tới nhiều điểm cầu. Điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó. Đến thời điểm này, cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đang bước vào giai đoạn nước rút.
Một điểm mới trong kỳ bầu cử lần này là công tác tổ chức bầu cử tại ba thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) có nhiều điểm khác biệt so với cả nước, đó là việc không bầu HĐND cấp phường. Ngoài ra, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh còn không bầu HĐND cấp quận. Do đó, cơ cấu, phương thức hoạt động thay đổi và đòi hỏi chất lượng đại biểu HĐND được lựa chọn cần chọn lọc kỹ lưỡng để đáp ứng nhiệm vụ.
Các địa phương lên phương án đảm bảo bầu cử an toàn trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19
Thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vừa tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử. Các cơ quan liên quan đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch tại các điểm bầu cử. Nhiều nơi đã đưa ra những kịch bản khác nhau tùy theo diễn biến dịch bệnh, giãn tiến độ cử tri đi bầu, bỏ phiếu theo giờ, theo đợt để tránh tập trung đông người, đảm bảo khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và đứng chờ. Tất cả để Ngày bầu cử 23/5 diễn ra an toàn, thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của non sông.
Ủy ban bầu cử thành phố Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất với kịch bản mà ngành y tế đưa ra, theo đó có 4 hình thức bầu cử, bao gồm: Bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định; bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; bầu cử cho cử tri tại các cơ sở y tế đang điều trị COVID-19) và bầu cử trong Khu cách ly tập trung. Giữa các điểm bầu cử cũng thực hiện giãn cách, không tập trung đông người trong cùng một thời điểm. Ngành y tế của địa phương cũng được giao nhiệm vụ cung cấp các đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, khẩu trang và hướng dẫn cử tri thực hiện quy trình y tế tại khu vực bỏ phiếu.
TP. Đà Nẵng đã quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 10.000 người thuộc lực lượng phục vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thời gian lấy mẫu trong khoảng 3 ngày trước ngày bầu cử, từ ngày 20 - 22/5.
Trong khi đó, tại phiên họp của Uỷ ban bầu cử TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin, công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử với các kịch bản tùy theo tình trạng dịch bệnh, trong đó có việc chia thời gian đi bầu ra làm nhiều giai đoạn từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối để tránh tập trung đông người. Ngoài ra, Thành phố cũng tính đến kịch bản bầu cử tại các khu vực bị cách ly, địa điểm được chọn để thực hiện cách ly.
Tại thủ đô Hà Nội, nơi dịch bệnh có những diễn biến mới từng ngày, nhiều phương án trong đó có việc bổ sung thêm hòm phiếu cũng đang được tính đến để đảm bảo an toàn cho việc bầu cử của cử tri.
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam sau 35 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nhưng thực tế, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Do vậy, kịch bản cho từng tỉnh, từng khu vực, thậm chí trong một tỉnh, điểm bầu cử này cũng khác với điểm kia là sự chuẩn bị cần thiết. Sự linh hoạt, chủ động và tuân thủ quy định 5K sẽ góp phần tạo nên sự an toàn, thành công cho Ngày bầu cử 23/5.
Có thể nói, bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân. Mỗi người dân chúng ta cần hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Gia Linh