14/01/2022
Ngày 13/01/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010 - 2020 nhằm tôn vinh những đóng góp, sáng kiến trong công tác bảo tồn của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn.
Việt Nam được biết đến là một quốc gia giàu đa dạng sinh học, đặc biệt là tính đa dạng về loài sinh vật. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 51.400 loài được phát hiện ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã công bố trên 1000 loài mới cho khoa học. Chỉ trong giai đoạn 2010-2020, các nhà khoa học đã phát hiện và mô tả hơn 600 loài thực vật và động vật mới cho khoa học với các mẫu chuẩn thu ở Việt Nam. Những dẫn liệu về các giống, loài mới được bổ sung trong những thập kỷ gần đây cho thấy thành phần khu hệ động, thực vật Việt Nam còn chưa được biết hết, cần tiếp tục có những nghiên cứu phát hiện.
Phát biểu tại buỗi Lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và mong rằng ngày càng có nhiều sáng kiến, giải pháp bảo tồn được kiến tạo, áp dụng nhằm bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của nước nhà.
Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại lễ trao giải
Việt Nam, với trách nhiệm nước thành viên của Công ước Đa dạng sinh học, đã có những đóng góp tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học, đặc biệt là mục tiêu thứ 12 của Chiến lược về cải thiện tình trạng bảo tồn loài và ngăn ngừa sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài trao Giấy chứng nhận cho các cá nhân, tổ chức được vinh danh
Công tác bảo tồn loài hoang dã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, hành lang pháp lý và chính sách đối với bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài nói riêng ngày càng hoàn thiện. Số lượng các khu bảo tồn loài được thành lập mới ngày càng gia tăng. Hệ thống các khu bảo tồn đã góp phần gìn giữ sinh cảnh sống và bảo vệ quần thể của nhiều loài hoang dã, đặc biệt là các loài bị đe dọa và các loài đặc hữu. Quần thể của một số loài đã và đang được bảo tồn, phát triển tốt ở nhiều khu bảo tồn như voọc cát bà ở Vườn quốc gia Cát Bà, cá sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên, các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Pù Mát, rùa biển tại các khu bảo tồn biển… Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai như hổ, voi, linh trưởng, rùa… Công tác điều tra, đánh giá loài tiếp tục đạt được nhiều kết quả, bổ sung thông tin về sự phong phú về đa dạng sinh học của Việt Nam. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn loài đã được áp dụng, góp phần cải thiện tình trạng các loài hoang dã và giảm mối đe dọa tới đa dạng sinh học. Nếu như công tác nghiên cứu, phát hiện loài mới là bước khởi đầu thì công tác bảo tồn, bảo tồn tại chỗ là hoạt động thường xuyên, lâu dài. Giải pháp nhân nuôi và tái thả có thể mở ra cơ hội phục hồi các loài hoang dã nguy cấp. Có thể thấy, đằng sau những kết quả đáng khích lệ nêu trên, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, là sự đóng góp âm thầm của các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn và người dân. Những đóng góp của các tổ chức, cá nhân đã tạo nên những điểm sáng của công tác bảo tồn loài hoang dã trong thập niên 2010 – 2020.
Cuộc Tọa đàm Bảo tồn động vật hoang dã
Trong khuôn khổ Lễ vinh danh, Bộ TN&MT tổ chức Tọa đàm Bảo tồn loài hoang dã. Tại buổi Tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, khách mời chia sẻ các câu chuyện về nghiên cứu và bảo tồn loài hoang dã. Trong bối cảnh các loài hoang dã tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng, việc bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các loài hoang dã nói riêng, hơn bao giờ hết, cần có sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Bộ TN&MT ghi nhận những sáng kiến, giải pháp bảo tồn loài trong thời gian qua và khích lệ sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới.
Nguyên Hằng