29/03/2022
Ngày 28/3/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP). Lễ ra mắt Nhóm công tác được chủ trì bởi ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN&MT – Trưởng Nhóm công tác, và bà Kristin Hughes – Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa, WEF – Phó Trưởng nhóm công tác.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ ra mắt
Tiếp nối Lễ khởi động Chương trình NPAP trong năm 2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP vào ngày 19/11/2021. Nhóm Công tác gồm 35 thành viên là lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ngành, cũng như các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, liên minh, hiệp hội hàng đầu cùng phối hợp định hướng chiến lược Chương trình NPAP nhằm ứng phó với ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam. Nhóm công tác có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ TN&MT các chính sách; chỉ đạo triển khai cho Chương trình NPAP nhằm hỗ trợ xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy hợp tác và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các kế hoạch, chương trình giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa.
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2019, mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 23,6 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khoảng 10% là chất thải nhựa. Ước tính, khoảng 182 nghìn tấn rác nhựa thất thoát vào đường thủy và ra biển mỗi năm. Khối lượng rác thất thoát sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 nếu không có thêm những chính sách quản lý được triển khai hiệu quả và những hành động mang tính hệ thống được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nhựa.
Ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam
Trong hơn một năm triển khai, Chương trình NPAP đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, bao gồm quảng bá sáng kiến kinh nghiệm chống ô nhiễm chất thải nhựa của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về phát triển bền vững; nỗ lực hoàn thành lộ trình hành động quốc gia để giảm thiểu thất thoát chất thải nhựa tại Việt Nam kết hợp với nghiên cứu thúc đẩy bình đằng giới và hòa nhập xã hội trong quản lý chất thải nhựa, hỗ trợ tham vấn với Chính phủ để hoàn thiện các chính sách hiện hành về thúc đẩy quản lý chất thải nhựa, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng nền tảng phân tích nhựa và hệ thống dữ liệu quốc gia về rác nhựa đại dương.
Việc thành lập Nhóm công tác Chương trình NPAP là một quyết định quan trọng mang tính chiến lược, đóng góp vào quá trình thực thi hiệu quả chính sách, tăng cường giải pháp quản lý chất thải nhựa và xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Lần đầu tiên, một diễn đàn hợp tác công tư cấp Quốc gia về quản lý chất thải nhựa được thể chế hóa và hoạt động một cách hiệu quả, với sự tham gia và điều hành của những lãnh đạo cấp cao đến từ tất cả các khối Nhà nước, Phi Chính phủ và Phát triển, Doanh nghiệp. Điều này đưa ra bằng chứng mạnh mẽ về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác công tư nhằm thực hiện cam kết trở thành quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về quản lý chất thải nhựa nói chung và chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói riêng, từng bước thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030, đảm bảo thực thi hiệu quả Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng như các chính sách về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Toàn cảnh Lễ ra mắt
Tại buổi Lễ, thành viên Nhóm công tác Chương trình NPAP đã thảo luận và thông qua Quy chế tổ chức hoạt động và Kế hoạch triển khai Chương trình NPAP tập trung vào các giải pháp ưu tiên gồm điều phối chương trình quốc gia, hỗ trợ chiến lược cấp cao của Việt Nam; nghiên cứu và đề xuất định hướng, giải pháp ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; và tổ chức hoạt động, chiến dịch truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho tổ chức và cá nhân trong quản lý chất thải nhựa.
Nguyễn Hằng