01/07/2022
Ngày 28/6/2022, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị “Khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Việc xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH), thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng nguồn lực trong nước, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về phương diện tài chính và chuyển giao công nghệ, bao gồm các cơ chế thực hiện Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang KTTH bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH của Việt Nam để huy động sáng kiến từ các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật BVMT năm 2020, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó, có công nghiệp tái chế; Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế… Bên cạnh đó, sẽ đưa ra lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi ni lông) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm. Đồng thời, lồng ghép KTTH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện,…theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải. Ngoài ra, sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho KTTH và tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về KTTH; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ về các mô hình KTTH đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình KTTH, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt, từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam, điều này rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Bên cạnh phiên toàn thể, Hội nghị bao gồm các phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: thúc đẩy hợp tác về KTTH thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính đổi mới và công nghệ xanh về KTTH; các mô hình KTTH tại Việt Nam và thúc đẩy các giải pháp KTTH nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.
Trần Hương