13/12/2022
Ngày 13/12/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế: Họp Ủy ban Hỗn hợp về quản lý chất thải rắn và 3R, tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản, Ủy ban Hỗn hợp về quản lý chất thải rắn và 3R đã được thành lập, nhóm họp lần đầu vào năm 2019. Tại cuộc họp lần thứ nhất này, 2 bên đã đi đến thông snhaats về mục tiêu hoạt động và vai trò của Ủy ban là nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quản lý chất thải và 3R giữa 2 nước; kết nối hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và các bên quan tâm khác với mục tiêu thiết lập được một hệ thống quản lý chất thải phù hợp dựa trên các chính sách về 3R và công nghệ phù hợp, trong đó có công nghệ đốt chất thải thu hồi năng lượng. Từ đó đến nay, Ủy ban Hỗn hợp đã được nhóm họp thường niên nhằm trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT đã đưa ra nhiều quy định với hướng tiếp cận rất mới mẻ về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Trong đó, đã có sự thay đổi căn bản, vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ nguồn thải tự chi trả. Đồng thời, thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Mặt khác, Luật cũng quy định rõ việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo các nhóm chất thải được thực hiện tại tất cả các địa phương, việc phân loại cũng là cơ sở để tính giá dịch vụ cho từng nhóm chất thải được phân loại khác nhau. Với lộ trình đặt ra từ nay cho tới năm 2025, rất nhiều địa phương đang quan tâm tới việc xây dựng các quy định tại địa phương mình để triển khai hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo theo quy định của Luật BVMT năm 2020.
Các đại biểu tham gia Hội thảo
Trên cơ sở đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền mong muốn nhận được ý kiến đóng góp tích cực từ các địa phương, viện nghiên cứu, chuyên gia để góp phần xây dựng các tài liệu hướng dẫn, các quy chuẩn theo đúng quy định của Luật BVMT cũng như sát với thực tế nhất, tạo điều kiện tối đa cho cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương trong quá trình triển khai.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thu giá dịch vụ theo lượng thải, xác định giá dịch vụ xử lý; đại diện Bộ TN&MT trình bày các dự thảo/tham vấn ý kiến về định hướng chính sách, quy định về quản lý chất thải: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại; Quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải; Dự thảo Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ theo khối lượng/thể tích chất thải.
Quang cảnh Hội thảo
Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, phát biểu tại Hội thảo, một số địa phương cho rằng, hiện nay còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, thiếu hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thiếu các quy định bắt buộc về phân loại rác thải tại nguồn; thiếu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; khó khăn trong việc lựa chọn mô hình công nghệ xử lý phù hợp dẫn đến việc lúng túng trong lựa chọn chủ đầu tư. Cùng với đó, do chưa thống nhất trong một số quy định về khoảng cách an toàn môi trường của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dẫn đến việc lúng túng và gặp khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trong lựa chọn vị trí xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp) tại các địa phương. Ngoài ra, việc bổ sung các nhà máy đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia còn gặp khó khăn, hiện chưa có văn bản hướng dẫn về các công trình cần điều chỉnh vào quy hoạch điện lực theo quy định của Luật Quy hoạch, nên tiến độ triển khai các dự án điện rác chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn…
Mai Hương