09/12/2021
Ngày 8/12/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT và Công ty Nétlé Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về BVMT và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững, nhằm thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về BVMT và thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững cũng như góp phần thực thi hiệu quả Luật BVMT năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại Lễ ký kết
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, hiện nay, tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống trên toàn cầu đang đặt ra những thách thức to lớn. Để vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do chất thải bao bì nói riêng, trong những năm gần đây, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát thải lớn), hướng tới sự phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín, tránh tạo ra phế thải, mang lại các giá trị về xã hội và môi trường.
Nhận thức rõ vấn đề này và thực hiện mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội - môi trường, Luật BVMT năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Luật đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Luật cũng thể chế hóa quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu. Mặt khác, Luật xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Vì vậy, việc Tổng cục Môi trường và Nestlé Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác là hành động thiết thực, nhằm đưa Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác BVMT, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; tái chế, tái sử dụng chất thải; quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì vật liệu tái chế thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế, tái sử dụng bao bì trong tương lai. Nội dung chính của Thỏa thuận hợp tác bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, phổ biến Luật BVMT đến các đối tượng liên quan để hiểu rõ và thực hiện; Triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến về phát triển bao bì thân thiện với môi trường, thu gom, xử lý, tái chế bao bì (gồm có bao bì nhựa) hiệu quả, nhằm BVMT và thúc đẩy, hướng đến kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ, chia sẻ ý kiến chuyên môn theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của hai bên nhằm phát huy tối đa hiệu quả các đóng góp cho hoạt động BVMT.
Để Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên triển khai đạt kết quả cao, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh đề nghị các đơn vị của Tổng cục Môi trường phối hợp cùng đơn vị đầu mối của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đề xuất các hoạt động triển khai cụ thể ngay trong tháng 12/2021, trong đó tập trung tuyên truyền những nội dung mới của Luật BVMT năm 2020 và đề ra các hoạt động cho năm tiếp theo. Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các nội dung, quá trình triển khai và kết quả đạt được của thỏa thuận hợp tác. Phó Tổng cục trưởng tin tưởng, sự tiên phong của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam phát biểu
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ, trong suốt 26 năm thành lập và phát triển, Nestlé luôn cam kết đầu tư lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn về môi trường. Tầm nhìn toàn cầu của Nestlé là không bao bì nào, kể cả bao bì nhựa bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải và tham vọng của Công ty là 100% bao bì của đơn vị hoàn toàn có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Cách tiếp cận của Nestlé hướng đến tạo ra một hệ thống bền vững và khép kín mà ở đó tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt: Phát triển bao bì cho tương lai; Thúc đẩy hình thành một tương lai không rác thải; Định hướng hành vi mới và sự thấu hiểu về cách sử dụng bao bì đóng gói. Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi muốn thu hút sự quan tâm, truyền cảm hứng để thay đổi hành động và tiên phong trong cải tiến. Để làm được điều này, Nestlé hợp tác với Chính phủ, các bộ và cơ quan có thẩm quyền, tổ chức phát triển và các bên liên quan để nâng bước hành trình đến với một xã hội không rác thải, đặc biệt là ngăn chặn triệt để vấn đề rác thải ni lông - Thách thức hàng đầu chúng ta phải giải quyết trong xã hội. Với việc ký kết Thoả thuận hợp tác cùng Tổng cục Môi trường, Nestlé sẽ đồng hành cùng Tổng cục trong các hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy sử dụng bao bì một cách bền vững, đồng thời, sự hợp tác này cũng sẽ góp phần thúc đảy việc thực thi Luật BVMT năm 2020. Ông Binu Jacob hy vọng vào sự hợp tác thành công giữa hai bên có thể mang đến những thay đổi tích cực cho môi trường, hệ sinh thái cũng như chất lượng sống của người dân Việt Nam.
Việc ký kết Thỏa thuận hợp tác góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ thể trong BVMT
Cũng tại sự kiện, Nestlé Việt Nam đã chính thức công bố Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025, nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, hướng tới một tương lai không rác thải, đây cũng là khởi đầu quan trọng của chặng đường hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bao bì bền vững của Công ty. Để đạt được mục tiêu đề ra, các thành viên của Tập đoàn Nestlé tại Việt Nam đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án sau: Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì; Thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít; Tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom, tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm; Hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã qua sử dụng để tái chế; Tăng cường thu gom bao bì nhựa, vỏ hộp sữa đã qua sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức tái chế bao bì Việt Nam (PRO vietnam); Hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom, phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế; Thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Bùi Hằng