16/07/2021
Ngày 15/7/2021, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Tham dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu chính của Bộ TN&MT có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định. Tại 40 điểm cầu có sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế, cùng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Luật BVMT năm 2020 liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, khối lượng nội dung rất lớn. Lĩnh vực môi trường cũng là lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm.
Ban Chủ tọa điều hành Hội thảo
Đến nay, Dự thảo Nghị định đã hoàn thành và gửi đăng lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường. Tuy nhiên, xác định khối lượng dự kiến hướng dẫn trong Nghị định rất lớn, nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành. Trước đó, Bộ TN&MT đã tổ chức thành công 4 Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước.
Để bảo đảm tính khả thi của Dự thảo Nghị định, Hội thảo tiếp tục tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế; cùng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về môi trường, qua đó, hoàn thiện các quy định của Nghị định.
Báo cáo tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đã giới thiệu Dự thảo Nghị định số 2 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT. Dự thảo Nghị định bao gồm: 13 chương 197 Điều và Phụ lục, với các nội dung chính: Bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực BVMT; quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và dịch vụ công trực tuyến về BVMT.
Bà Trần Thị Hải - Giám đốc Chương trình phát triển bền vững của WWF phát biểu góp ý
Góp ý nội dung Dự thảo Nghị định, đa số các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Nghị định đã bám sát các nội dung, xác định rõ vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT; bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước về BVMT; tăng cường phân cấp cho địa phương, chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Kiến nghị về một số nội dung BVMT đất, nước, không khí, bà Trần Thị Hải - Giám đốc Chương trình phát triển bền vững, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đề xuất, đối với BVMT nước cần bổ sung các giải pháp và kế hoạch quản lý để bảo vệ, bảo tồn rừng đầu nguồn, vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn. BVMT không khí cần bổ sung thêm các nguồn phát sinh khí thải, đặc biệt là một số loại hình sản xuất đã quy định tại Phụ lục 6, cụ thể là các hoạt động về lọc, hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất than cốc, sản xuất khí than… Về BVMT làng nghề, tại Điều 41 và 43 của Dự thảo Nghị định đề xuất đưa thêm quy định làng nghề đặc thù như nuôi các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài ĐVHD có nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang con người, nuôi các loài thú dữ, quy định di dời và chấm dứt, bồi thường các hoạt động này.
Về nội dung về giấy phép môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, giấy phép môi trường là quy định mới ở Việt Nam nhưng không mới với nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Tùng đề xuất việc cấp giấy phép môi trường sau khi doanh nghiệp đã có thiết kế chi tiết các công trình BVMT; sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp mới triển khai xây dựng các công trình và chịu sự giám sát của thanh tra. Theo Dự thảo Nghị định, cơ quan cấp phép là Bộ TN&MT, UBND tỉnh và huyện. Ở ba cấp này, cần có mẫu hồ sơ, quy trình thủ tục được đơn giản hóa phù hợp ở các cấp để thuận lợi trong thực hiện.
Bày tỏ quan điểm về lộ trình áp dụng BAT, ông Đỗ Thanh Bái - Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, Ban soạn thảo cần tham khảo thêm kinh nghiệm của thế giới về các tiêu chí phát thải để bổ sung vào quy định, không nên đi sâu vào công nghệ. Nội dung bảo vệ các thành phần môi trường, Danh mục 6 về các loại hình hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm còn thiếu một loại hình, cần phải bổ sung như: xử lý chất thải nguy hại, các doanh nghiệp hóa chất sản xuất sơn, mực in, pin mặt trời, pin sạc. Đối với kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phải thể hiện được những hành động của cơ quan quản lý và chủ nguồn thải.
Toàn cảnh Hội Thảo
Góp ý về nội dung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) đề xuất cần quy định rõ về mức độ, lượng hóa chất gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng được coi là “sự cố môi trường”. Tại Khoản 5, Điều 4 của Dự thảo Nghị định, bổ sung thêm nội dung các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố.
Đối với nội dung tham vấn cộng đồng dân cư, TS. Nguyễn Văn Phương - Khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết, để bảo đảm thống nhất áp dụng Điều 159 Luật BVMT năm 2020, Dự thảo Nghị định cần quy định cơ chế hình thành đại diện cộng đồng dân cư; xác định căn cứ pháp lý của người đại diện cho cộng đồng dân cư.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trân trọng cảm ơn ý kiến xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống.
Châu Loan