Banner trang chủ

Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Các lựa chọn chính sách”

15/12/2023

    Ngày 14/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Các lựa chọn chính sách” nhằm đánh giá tác động của các chính sách và đầu tư đến chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2023 là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), mặc dù vậy, Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy ở phương diện toàn cầu, qua rà soát tiến độ thực hiện 140 mục tiêu cụ thể có số liệu cho thấy, chỉ có khoảng 12% là đang đúng tiến độ và khoảng 30% bị thụt lùi so với năm 2015. Theo xu hướng hiện nay, 575 triệu người vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh nghèo cùng cực và chỉ khoảng một phần ba các quốc gia sẽ đạt được mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2030. Nghiêm trọng hơn, thế giới đang quay trở lại mức thiếu đói chưa từng thấy kể từ năm 2005 và giá lương thực ở nhiều quốc gia cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019. Trong lĩnh vực giáo dục, do tác động của thiếu hụt đầu tư, đến năm 2030, khoảng 84 triệu trẻ em sẽ không được đến trường và 300 triệu trẻ em hoặc thanh thiếu niên đi học nhưng sẽ không thể đọc và viết. Những đánh giá trên cho thấy, tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs của toàn cầu hiện đang rất chậm và khó có thể hoàn thành vào năm 2030.

    Hiện nay, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục biến động phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng; gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng; dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu trong các năm 2024-2025 được dự báo sẽ có nhiều bất định hơn, có thể bị thu hẹp, áp lực cạnh tranh toàn cầu tăng cao; các vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến khó lường. Thực trạng này chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có cho các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu SDGs vào năm 2030.

    Mặc dù vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh SDGs vào tháng 9 vừa qua, các quốc gia trên thế giới cam kết tiếp tục khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để cùng hành động và đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Trong đó, Việt Nam đã xác định 6 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: lấy người dân là trung tâm của quá trình phát triển; xem khoa học công nghệ, đổi mới sinh thái là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính; tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV.

    Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu netzero vào năm 2050, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và cam kết đầu tư trên ngành, lĩnh vực như tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng thông qua Quy hoạch Điện VIII với các mục tiêu tham vọng về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và triển khai Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ…..

    Nhằm đánh giá tác động của các chính sách và đầu tư đến chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tính bền vững của nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNESCAP và Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc triển khai Nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam: Các lựa chọn chính sách” với 3 nhóm kịch bản chính sách: Hướng tới một nền kinh tế xanh hơn; Giảm nghèo, bất bình đẳng và an sinh xã hội; Hướng tới tăng trưởng dựa trên đầu tư hạ tầng chuyển đổi số. Các kịch bản chính sách được lựa chọn trên cơ sở xem xét tính phù hợp với các nhóm giải pháp trọng tâm mà Việt Nam đặt ra nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs trong nửa chặng đường còn lại. Một trong những kết quả mà Dự thảo nghiên cứu cho thấy, các gói và chính sách đầu tư có thể gây ra chi phí ngắn hạn như lạm phát và áp lực tài chính, nhưng lại có tác động rất lớn đến tăng trưởng dài hạn cũng như việc giảm lượng phát thải CO2 và ô nhiễm không khí.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và góp ý về Dự thảo Báo cáo nhằm hoàn thiện Báo cáo với mục đích cung cấp các bằng chứng định lượng về tác động của các chính sách và đầu tư đến chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường và từ đó đưa ra các khuyến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn