08/03/2023
Ngày 7/3/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với hội nông dân 63 tỉnh, thành phố cả nước lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 30/1/2023 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 552 về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở và hội viên nông dân. Đến nay, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân, trong đó, nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)…
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật rất quan trọng, có thể coi là luật gốc, tác động đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ TN&MT dày công chuẩn bị, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ TN&MT tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo và chất lượng của Dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân các cấp, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời đây cũng là dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống các cấp hội, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, đây là đợt sinh hoạt chính trị sôi nối để xin ý kiến của nhân dân về một vấn đề rất quan trọng của kinh tế - xã hội là đất đai. Qua theo dõi, Chính phủ thấy các cấp Hội Nông dân tổ chức lấy ý kiến rất bài bản, khoa học, thiết thực, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. Phó Thủ tướng cho rằng, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là một sản phẩm mang tính chất lý luận và thực tiễn, được đóng góp từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Hiện nay, các Bộ, ban, ngành đã lấy ý kiến riêng trong bộ, ban, ngành…. nhằm đưa ra ý kiến đóng góp đại diện cho ý chí, mong muốn trong thể chế hóa chính sách đất đai. Dự thảo Luật cũng đã tính toán đến các Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng nghị quyết về kinh tế tập thể, xác định rõ vai trò nông nghiêp, nông thôn, nông dân, nhấn mạnh đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là vấn đề an ninh lương thực… Đồng thời, gợi mở các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng, tích tụ ruộng đất, tăng cường sự tham gia của Mặt trận tổ quốc các cấp, cho phép người dân giám sát, tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật… Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại Hội nghị cần cụ thể, đi vào các quy định trực tiếp trong điều, khoản.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận vào 4 nội dung trọng tâm: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Đồng thời kiến nghị cần xác định giá đất theo cơ chế thị trường trước khi đền bù thu hồi đất và đảm bảo việc tái định cư cho người dân có điều kiện tốt nhất.
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội nông dân Thành phố Hà Nội nêu thực tế, thời gian qua tại một số địa phương, các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện quá 3 năm theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được công bố nhưng chậm được rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ và công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tổ chức thuộc khu vực có dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể với người sử dụng đất trong vùng đã có quy hoạch, kế hoạch, nhất là liên quan đến vùng sản xuất đất nông nghiệp. Nhiều quy hoạch tầm nhìn đến 35 năm hay 50 năm thì cũng tránh cho người dân, đặc biệt là người nông dân bị ảnh hưởng tác động bởi quy hoạch liên quan đến quá trình sản xuất. Theo bà, nên chia các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng làm 3 nhóm: Nhóm 1 thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; Nhóm 2 để xây dựng các công trình dự án thương mại; Nhóm 3 để thực hiện các công trình phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
Nhiều ý kiến ở các địa phương đánh giá quy định “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" có tính nhân văn, tiến bộ, là điểm mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nếu thực hiện tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn dưới luật cần quy định chi tiết tiêu chuẩn đánh giá "điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" là như thế nào trong điều kiện cụ thể là hộ đông người, các hộ nông thôn.
Theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện dự án tái định cư khi thu hồi đất không chỉ quan tâm đến chính sách hỗ trợ, bồi thường mà cần đảm bảo sinh kế và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ cho nông dân.
Gs.TS.Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tại điểm b, khoản 3, Điều 68 quy định: “Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” cần bổ sung thêm hình thức công khai ý kiến đóng góp và việc giải trình tiếp thu trên trang thông tin của UBND cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở xã. Ngoài ra cần quy định cụ thể thời gian lập, hoàn thành và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp để hạn chế việc thực hiện điều chỉnh cấp tập như hiện nay.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định việc lấy ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác truyền thông về Dự án Luật là rất quan trọng. Vì vậy cần phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia vào Dự thảo Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, trong đó chú trọng đến nội dung liên quan về đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp… Đồng thời lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại diện cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật trong thời gian tới.
Bùi Hằng