Banner trang chủ

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

20/10/2024

    Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười; tập trung cao nhất các công việc về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất các công việc cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, ngày 20/10/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

    Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với điểm cầu Trung ương; điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Trung ương; điểm cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương… Tại điểm cầu Đảng ủy Bộ TN&MT kết nối với điểm cầu Trung ương có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Lê Công Thành - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; Bí thư, Phó Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ. Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham dự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Viện.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng cho biết Trung ương cơ bản nhất trí đánh giá tổng quát thành tựu, các bài học được đúc kết sau 40 năm đổi mới; những định hướng mục tiêu cụ thể tiếp tục đổi mới từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhất trí với các quan điểm chỉ đạo tiếp tục đổi mới. Trung ương cũng đã thảo luận và cơ bản nhất trí với một số định hướng về nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo.

    Truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 và về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đan xen nhiều thời cơ cũng như khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức là nhiều hơn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội từ sau Đại hội XIII của Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đánh giá chung, trong giai đoạn gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII vừa qua, Trung ương nhất trí cho rằng, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; chỉ số phát triển con người được cải thiện; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn. Trên cơ sở những kết quả đạt được và đánh giá những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Trung ương đã cơ bản tán thành quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, Trung ương Đảng nhất trí với chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7 - 7,5%; giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,5 - 8,5%/năm...

Đảng ủy Bộ TN&MT kết nối với Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương mười khóa XIII

    Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng”. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ; đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm hơn nữa, chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, dày công xây dựng và sáng suốt lựa chọn, bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV.

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị Trung ương lần thứ mười đã thống nhất quyết tâm chính trị, những đột phá chiến lược, phương hướng, giải pháp chiến lược với tư duy, nhận thức mới; đã thống nhất chủ trương đối với nhiều công việc hệ trọng để tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

    Trên cơ sở thống nhất của Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, việc đưa Nghị quyết của Đảng tới từng chi bộ, từng đảng viên, ngấm sâu và hòa vào thực tiễn cuộc sống đặt ra rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tạo thành khối thống nhất về ý chí và hành động, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, nỗ lực cao với những bước đi bài bản, chính xác, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, huy động cao nhất mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các chủ trương, phương hướng chiến lược mà Trung ương Đảng thống nhất hoạch định. Qua Hội nghị cũng nhằm trao đổi, thảo luận, tạo thống nhất cao về nhận thức, là tiền đề để thống nhất về hành động trong toàn hệ thống chính trị theo mục tiêu đã định.

    Về một số nội dung trọng tâm tập trung quán triệt, triển khai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đây là yêu cầu của Trung ương, là chỉ tiêu pháp lệnh, cần nỗ lực cao nhất, tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để thực hiện cho được. Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu và chịu trách nhiệm thực hiện. Mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng phải khẩn trương rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa để tập trung hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất. Chính phủ, người đứng đầu các ban, Bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP.

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, tập trung triển khai ngay một số đột phá chiến lược đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV. Đối với đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, ngay sau Hội nghị Trung ương lần thứ mười khóa XIII, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu, đi đầu, làm ngay, làm rất quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều phiên họp rà soát nội dung các luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, đã cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Trung ương lần thứ mười đã thống nhất “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

    Ngay sau Hội nghị này, cấp ủy các cấp có kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo thực hiện. Việc đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của cả hệ thống chính trị với sản phẩm đo đếm được sẽ là một trong những nội dung của kỳ họp Trung ương tiếp theo. Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt; tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước mắt là hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số; sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trong toàn hệ thống chính trị trình Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII...

Quang cảnh họp trực tuyến tại điểm cầu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

    Về các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và văn kiện đại hội XIV của Đảng. Mỗi địa phương cần cụ thể hóa, xác định rõ định hướng, giải pháp xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương, Hải Phòng, Đà Nẵng đi đầu thực hiện, tạo cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả nước. Cụ thể phương hướng phát triển lực lượng sản xuất mới của từng ngành, từng địa phương, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao và dữ liệu - tư liệu sản xuất mới, hạ tầng giao thông, chuyển đổi xanh. Làm rõ nguồn lực, giải pháp, trách nhiệm hoàn thành xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại, nhất là đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, xây dựng nền tảng ý dân, lòng dân vững chắc. Xác định những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thể hiện rõ khả năng tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở thực tiễn…

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng, sau Hội nghị, với những tư duy, nhận thức mới đã thấu suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, sẽ khơi thông mọi nguồn lực, huy động cao nhất sức người, sức của, tiếp tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những năm tiếp theo.

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn