Banner trang chủ

Hội nghị thường niên lần thứ 27 của Nhóm công tác Tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng về môi trường

02/11/2023

    Từ ngày 31/10/2023 - 2/11/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ramboll tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 27 của Nhóm công tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) về môi trường.

Toàn cảnh Hội nghị

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) Nguyễn Đình Thọ cho biết, trong vài thập kỷ qua, các nước GMS nói chung, Việt Nam nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển đã kéo theo những hệ lụy đối với môi trường, bao gồm suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và giảm kết nối hệ sinh thái. Hơn nữa, lợi ích của tăng trưởng kinh tế chưa hỗ trợ nhiều cho người nghèo. Sinh kế của người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số và vùng cao thường phụ thuộc nhiều vào môi trường địa phương, nay đang phải đối mặt với nguồn tài nguyên thiên nhiên suy giảm và các vấn đề về quyền sở hữu đất đai, quyền tiếp cận tài nguyên. Các hạn chế trong quản lý tài nguyên và môi trường đã đe dọa năng suất hệ sinh thái, lợi tức đầu tư kinh tế trong các lĩnh vực then chốt và sự phát triển bền vững lâu dài của Tiểu vùng. Trong khi, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là mối đe dọa lớn ở các nước trong Tiểu vùng.

    Trước những thách thức đó, thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định và quyết tâm giải quyết các thách thức về tài nguyên và môi trường, ứng phó với BĐKH thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia năm 2012, Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2012, Chiến lược quốc gia về BVMT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Luật BVMT năm 2020…

    Tại Hội nghị, đại biểu thuộc các nước GMS đã thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác giữa các nước trong Tiểu vùng, thể hiện tầm nhìn chung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các hoạt động quản lý môi trường hợp lý. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức chính và các giải pháp khả thi cho GMS nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi các-bon thấp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa xanh và nông nghiệp; triển khai các công nghệ tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường. Đây cũng là cơ hội để các nước GMS chia sẻ các ưu tiên, chiến lược và lộ trình quốc gia nhằm triển khai các giải pháp, sáng kiến công nghệ kỹ thuật số và thúc đẩy chuyển đổi sang các-bon thấp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và nông nghiệp xanh.

    Trong khuôn khổ Hội nghị, sẽ có 11 phiên và 40 tham luận với nội dung chính là công nghệ khí hậu và quá trình chuyển đổi các-bon thấp trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào những nội dung chính sau:

    Thứ nhất, Hội nghị xem xét Đánh giá nhu cầu công nghệ xanh (GTNA). Tại Hội nghị, các nước GMS đã trao đổi chi tiết về các ưu tiên, chiến lược quốc gia về triển khai công nghệ ứng phó với BĐKH và bền vững môi trường; việc sử dụng công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo vào hoạt động giám sát ô nhiễm, dự báo khí hậu; chia sẻ kiến thức về sử dụng máy bay không người lái để quản lý rừng bền vững và hệ thống cảnh báo sớm - thích ứng dựa vào việc sử dụng thiết bị di động nhằm mang lại lợi ích trong lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch đô thị, quản lý thiên tai...

    Thứ hai, Hội nghị thảo luận về nội dung đổi mới nông nghiệp, truyền thông về nông nghiệp các-bon thấp; giới thiệu các sản phẩm tài chính và thị trường các-bon cho nông nghiệp các-bon thấp; các hành động ưu tiên cho hợp tác khu vực theo CCESP để tăng cường sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và tài chính khí hậu sáng tạo trong GMS.

    Thứ ba, Hội nghị giới thiệu Mạng lưới tri thức GMS và Kế hoạch hành động của GMS, nhằm cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan và mới nổi trong GMS. Các sáng kiến GMS đã đạt được thành công đáng kể trong các lĩnh vực hợp tác giữa các quốc gia thông qua các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, điện, du lịch, phát triển nông nghiệp, BVMT và phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, tăng cường kết nối và hội nhập khu vực giữa các nước thành viên GMS để đạt được tầm nhìn chung về một GMS hội nhập, thịnh vượng, bền vững và bao trùm.

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn