Banner trang chủ

Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật"

13/12/2022

    Ngày 12/12, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2012 - Một số chính sách nổi bật".

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

    Hội nghị nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức, thông tin về TNN và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật TNN sửa đổi. Đây cũng là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của một số tỉnh, thành phố, đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, đặc biệt là các chính sách trong Luật TNN sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Luật TNN năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật TNN năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng TNN; TNN được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng TNN suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ phục hồi để bảo đảm an ninh TNN quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về TNN và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ TNN cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.

    Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng Nguyễn Khắc Hùng cho rằng, TNN được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất thường như hiện nay, chất lượng TNN đang có dấu hiệu suy giảm đã đặt ra nhiều thách thức lớn. Một trong những trọng tâm trong BVMT năm 2022 - 2023 của Chính phủ là sửa đổi Luật TNN năm 2012 cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn TNN, hưởng tới đảm bảo an ninh nguồn nước cho Việt Nam. Do đó, Luật TNN sửa đổi sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục những hạn chế và vướng mắc đang tồn tại của Luật TNN năm 2012 và tích hợp một số kinh nghiệm quốc tế về quản lý và bảo vệ nguồn nước. Những điểm mới trong việc xây dựng Luật TNN sửa đổi bao gồm đảm bảo an ninh nguồn nước, coi TNN là tài sản cộng và quản trị trên nền tảng công nghệ số, coi sản phẩm nước là hàng hóa và cần phát triển kinh tế nước, góp phần vào việc quản lý TNN một cách thống nhất, toàn diện và phù hợp với thực tiễn.

    Trình bày tổng quan thực trạng các chế định liên quan đến TNN, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Ngô Mạnh Hà cho biết, dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau gần 10 năm thi hành, tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, Luật TNN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với yêu cầu của thực tế và với pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung nhu quy định. Cụ thể, các quy định còn bất cập trong các nội dung liên quan đến vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước); quy hoạch TNN; cấp giấy phép TNN; bảo vệ TNN; bảo vệ các dòng sông, tầng chứa nước, quản trị nước thông minh, chuyển đổi số, dự báo nguồn nước phục vụ điều hòa phân bổ TNN cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

    Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc hội khóa XV Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước của nước ta đang phải đổi mặt với một số thách thức, trước hết là nguồn nước phân bổ không đều theo không gian và thời gian. TNN mặt của Việt Nam phân bố không đều cả về không gian và thời gian. Sự biến đổi theo thời gian của lượng mưa năm biểu hiện ở sự dao động giữa các năm và phân phối không đều trong năm. Vì thế, đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến nước theo hướng quản lý nhu cầu, kinh tế hóa, xã hội hóa, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch; huy động nguồn lực, tạo điều kiện, động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, lọc nước biển, xử lý nước thải; xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, BVMT nước.

    Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, mức độ ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng. Ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông (Nhuệ, Đáy, Cầu, Đồng Nai), hệ thống công trình thủy lợi (Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống…). Nguồn gây ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn không được kiểm soát,trong đó, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số vùng trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với nhiễm mặn và ô nhiễm. Tình trạng nước dưới đất bị mặn, nhiễm mặn diễn ra phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Bắc bộ và Nam bộ. Ngoài ra, hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng và amoni trong nước dưới đất đã ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước dưới đất lớn. Nhiều ý kiến đề nghị, cần chú trọng vào huy động nguồn lực, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, bị ảnh hưởng lớn của biển đổi khí hậu.

Toàn cảnh Hội nghị

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu. Các ý kiến tại Hội nghị đã cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức về TNN và các nội dung chính sách được đề xuất trong Dự thảo Luật TNN (sửa đổi). Ban Công tác đại biểu sẽ tổng hợp các ý kiến này để đóng góp ý kiến hiệu quả cho Dự thảo Luật TNN năm 2012 (sửa đổi) tại chương trình họp của Quốc hội năm 2023.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn