Banner trang chủ

Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

13/03/2023

    Ngày 11/3/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)” nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý các quy định của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

    Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự chồng chéo với các luật khác như Luật Thủy lợi, 2017, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Quy hoạch năm 2017; Chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến nước là hạn chế của Luật, cùng với một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước dẫn tới thực tế tồn tại sự chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp khi triển khai thực hiện giữa các Bộ, ngành, địa phương…

    Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 5 điều.

Quang cảnh Hội thảo

    Nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức góp ý và cơ bản bao trùm được các vấn đề quản lý nhà nước đối với Tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm hoàn thiện, trong đó có quy định về sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.

    Góp ý vào nội dung này, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và đang rất được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước và tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn tài nguyên. Tuần hoàn tài nguyên nói chung và tài nguyên nước nói riêng được khuyến khích trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn tài nguyên nước chưa được đưa ra hoặc chưa đề cập sâu trong các dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho đến hiện tại. Do vậy, dẫn đến nhiều rào cản trong việc áp dụng tái sử dụng nước trong các lĩnh vực khác nhau.

    Theo PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải cũng là một trong những giải pháp cần tập trung nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước ở Việt Nam.

    Liên quan đến quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước, PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường kiến nghị phải làm rõ 3 cụm từ “sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước”, “sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” và “sử dụng tuần hoàn tài nguyên nước”. Theo đó, khi đưa vào quy định trong luật pháp về “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước”, phải thể hiện rõ nội hàm của các khái niệm trên để đảm bảo tính đầy đủ và áp dụng thực tiễn sát thực. Ngoài ra, khi thiết kế các điều khoản luật liên quan đến “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn tài nguyên nước” trong bối cảnh thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Do vậy, khi thiết kế điều khoản về quy định trong luật tài nguyên nước cũng cần chú ý tới các yếu tố này.

    Kết luận Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, trên tinh thần chuẩn bị “từ sớm từ xa” Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động tiếp cận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngay từ đầu. Hiện nay, Dự thảo lần 5 là dự thảo chính thức sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023). Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, đây sẽ là nguồn thông tin khoa học quý báu, giúp cho cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn