21/06/2023
Chiều ngày 20/6/2023, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý.
TS. Lê Công Lương, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sửa Luật Đất đai là nội dung lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, từ ngày 3/1 - 15/3/2023, cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ TN&MT đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV cũng đã dành nhiều thời gian cho Dự thảo. Sau khi thu nhận được hơn 12 triệu ý kiến, từ ngày 16/3, Ban soạn thảo và các cơ quan Chính phủ đã làm việc có trách nhiệm để hoàn thiện Dự thảo và trình Quốc hội văn bản chính thức vào ngày 29/5. Ngày 9/6, 19 tổ với gần 500 đại biểu Quốc hội đã đưa ra hàng trăm ý kiến tổng hợp góp ý vào Dự thảo Luật. Nhằm góp phần bổ sung thêm những luận điểm khoa học để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, tại Hội thảo lần này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung quan trọng như: Quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa; Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Tại Hội thảo, thay mặt Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tờ trình số 276/TTr-CP ngày 29/5/2023 của Chính phủ. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 16 Chương, 263 Điều, tăng 5 mục (mục 3 Chương IV; mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 Chương XVI); Bổ sung mới 40 Điều, bỏ 13 Điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Cũng theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, quá trình lấy ý kiến nhân dân có một số vấn đề lớn mà nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết số 18-NQ/TW như bổ sung quy định về quyền sử dụng đất cho đối tượng là người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam; quy định về thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài… Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào Dự thảo Luật.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò quan trọng và phức tạp, bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống, nếu giải quyết tốt, đúng chính sách, pháp luật về đất đai sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực để phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, một số vấn đề được nhân dân quan tâm đã được nghiên cứu, rà soát kịp, nhất là thu hồi đất và xác định giá đất... Tuy vậy, tiếp cận từ nguyên ngành quy hoạch, quản lý vẫn còn một số tồn tại mong xem xét tiếp như về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 73 Dự thảo), trong Dự thảo đã có nhiều quy định cụ thể song chưa rõ về điều chỉnh cục bộ và điều chỉnh định kỳ (5 năm 1 lần). Với khái niệm quy hoạch là khoa học tổng hợp là dự báo, trong bối cảnh chung và trong quy hoạch xây dựng đã cho phép có điều chỉnh cục bộ thì theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong Điều 73 Dự thảo nên có khoản quy định về điều kiện và quy trình thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất để hạn chế các tiêu cực đã diễn ra trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Điều 214 về đất xây dựng công trình ngầm) quy định về cấp giấy chứng nhận đối với đất xây dựng công trình ngầm còn chưa hợp lý, chung chung không thể áp dụng cho các loại công trình ngầm, nhất là với công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo tuyến. Do vậy, cần rà soát lại để tránh tạo nên "điểm nghẽn" mới cho quản lý công trình trên mặt đất.
TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị cần làm rõ phạm vi quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đòng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý đất đai, cũng như cơ chế giám sát của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
Quang cảnh Hội thảo
Có ý kiến kiến nghị bổ sung các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm cả đất rừng sản xuất. Vì không thể để tổ chức, cá nhân có quyền tự chuyển đất rừng sản xuất sang đất cây nông nghiệp ngắn ngày, đất nuôi trồng thuỷ sản (Điều 121)…
Mai Hương