Banner trang chủ

Giới thiệu ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

25/01/2024

    Ngày 24/1/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp với Cục Tái tạo môi trường và tuần hoàn vật liệu, Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức Chương trình “Giới thiệu ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Ông Akira Hiroi - Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội phát biểu tại sự kiện

    Phát biểu tại Chương trình, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Vũ Minh Lý cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng vào năm 2050. Để thực hiện cam kết trên, Việt Nam đang nỗ lực để đạt mục tiêu này trong đó, để chuyển đổi nền kinh tế từ tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, quy định, liên quan đến mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tăng cường tái chế, tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Cũng theo ông Vũ Minh Lý, bên cạnh việc hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn thì việc thúc đẩy mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại cho các hàng hóa và dịch vụ là rất cần thiết trong tương lai. Số hóa, phát triển các nền tảng chia sẻ, sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số sẽ là những giải pháp căn bản mà Chính phủ của các nước, các doanh nghiệp cần nghĩ tới để đổi mới tư duy ngay trong tiến trình hoạch định và thực thi chính sách, thiết kế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Chương trình “Giới thiệu ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn” được tổ chức nhằm giới thiệu ứng dụng kỹ thuật số để trực quan hóa vòng tuần hoàn vật chất và hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời thảo luận về khả năng áp dụng hệ thống, đóng góp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bà Sachiko Sakurai - Chuyên gia đến từ Nippon Koei trình bày báo cáo tham luận tại Chương trình

    Về phía Bộ Môi trường Nhật Bản, ông Ko Matsuura cho biết, năm 2013, Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ TN&MT Việt Nam đã ký hợp tác trong công tác quản lý chất thải, dự án 3R… và ngay trong tháng 1/2024, dự án Nhà máy xử lý chất thải phát điện tại Bắc Ninh đã được khánh thành, đi vào hoạt động điều này đã cho thấy công tác quản lý chất thải, BVMT, bảo vệ sức khỏe con người đang ngày càng được nâng cao. Ông Ko Matsuura cũng thông tin, vào tháng 10/2023, JICA Việt Nam đã khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng quy chế Khu công nghiệp kiểu mẫu-Khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh này có thể được sử dụng trong dự án của JICA qua đó nhằm thúc đẩy thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được ban hành ngày 28/5/2022.

Ông Nguyễn Thế Thông - Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT chia sẻ tại Chương trình

    Chia sẻ tại Chương trình, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội Akira Hiroi nhấn mạnh, vấn đề chất thải hiện đang là vấn đề quan trọng nhất được cộng đồng quốc tế quan tâm giải quyết. Hiện lượng chất thải của Việt Nam ngày càng nhiều trong khi công tác quản lý chất thải và xử lý chất thải chưa phù hợp. Trong bối cảnh đó, Luật BVMT năm 2020 được ban hành, cùng với đó là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 cho thấy, Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi từ nền sản xuất tuyến tính sử dụng nhiều tài nguyên sang kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên bền vững.    

    Giới thiệu việc xây dựng Chính sách quốc gia về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam dựa trên Luật BVMT năm 2020, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỉ XXI. Đây là cơ hội để thế giới chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng Dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” để cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn được giao tại Điều 142 của Luật BVMT. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồng thời đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng và hết sức cần thiết.

Quang cảnh Chương trình

    Tại Chương trình, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đến từ Nippon Koei, JICA Việt Nam giới thiệu xu hướng toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên; Hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh và những tiềm năng phát triển hệ thống này ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung thảo luận những thách thức và khó khăn trong việc giới thiệu và triển khai hệ thống tuần hoàn vật liệu thông minh trong các khu công nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn và khu công nghiệp sinh thái đang được thúc đẩy trên toàn cầu…

Hương Mai

Ý kiến của bạn