04/06/2021
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Chủ đề có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) với thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” do Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phát động. Điều này cho thấy sự thống nhất của các Chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động: Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta. Đây được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - một mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.
Trong ngày diễn ra sự kiện này (5/6/2021), nước chủ nhà Pakistan sẽ nêu bật các vấn đề môi trường và giới thiệu các sáng kiến của Pakistan cũng như vai trò của nước này trong các nỗ lực toàn cầu. Các quốc gia trên toàn thế giới sẽ hưởng ứng thông qua các sự kiện và hoạt động khác nhau, phù hợp với các quy định mới nhất của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, thể hiện vai trò nước chủ nhà, Pakistan đã thành lập Quỹ Phục hồi hệ sinh thái để hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các sáng kiến có mục tiêu sinh thái, chống chịu với môi trường bao gồm trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành UNEP, năm 2020, thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người. Phục hồi hệ sinh thái là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Cùng chung tay hành động để phục hồi hệ sinh thái
Cùng chung tay với các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị triển khai thực hiện phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái. Đối với hệ sinh thái rừng: thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan… Đối với hệ sinh thái hồ, sông suối: thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản… Đối với hệ sinh thái biển và ven biển: thu gom rác thải trong môi trường; phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước; triển khai hoạt động đánh bắt hải sản bền vững…
Về hình thức tổ chức tuyên truyền, có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (nên theo hình thức trực tuyến) như tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…; Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương…
Đức Anh