20/02/2022
Ngày 18/2/2022, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Diễn đàn cấp cao về phương pháp tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững. Diễn đàn được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa; Giám đốc Điều hành WWF toàn cầu Prasana De Silva. Ở đầu cầu Hà Nội, có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài.
Đẩy mạnh tiếp cận cảnh quan trong chính sách quản lý của ngành và địa phương
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi, chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích. Tính trên phạm vi cả nước, địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1.000 m) chiếm tới 85% diện tích. Địa hình núi cao (trên 2.000 m) chỉ chiếm 1% diện tích cả nước. Cấu trúc địa hình khá đa dạng tạo nên sự phân bậc rõ rệt theo độ cao, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đất đai có thể sử dụng cho nông nghiệp chiếm chưa tới 20%. Đất nước bị chia thành miền núi, vùng đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc; dãy Trường Sơn, Tây Nguyên, đồng bằng duyên hải miền trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với điều kiện địa hình và vị trí kéo dài từ Bắc xuống Nam tới 1.650 km cộng với khí hậu đa dạng đã tạo cho Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú và tươi đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH) và môi trường ở nước ta đang bị tác động, ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế làm phân mảnh cảnh quan, môi trường sống. Chuyển đổi đất vùng rừng núi đã làm cảnh quan thiên nhiên thay đổi, các hệ sinh thái bị chia cắt, phân mảnh gây ra các hệ lụy về suy thoái ĐDSH, xói mòn đất, lũ lụt, hạn hán gia tăng. Chuyển đổi sử dụng đất tại các vùng nông thôn đã làm biến mất các vùng đất ngập nước có giá trị về môi trường, cảnh quan và văn hóa. Xây dựng các đập, hồ thủy điện, thủy lợi cũng tác động không nhỏ đến cảnh quan thiên nhiên các lưu vực sông. Các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển cũng đã có tác động không nhỏ đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường và ĐDSH. Đặc biệt là tại các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Phân mảnh nơi sống (habitat fragmentation) và biến đổi khí hậu (BĐKH) được xác định là những mối đe dọa chính đối với ĐDSH ở quy mô lớn, gây ra các hiệu ứng sinh thái tiêu cực đối với các quần thể sinh vật, làm mất, giảm tổng diện tích nơi sống tạo nên sự cách ly trong cảnh quan. Điều này góp phần gây suy giảm ĐDSH và tăng tính tổn thương đối với các loài sinh vật. Hệ quả là ĐDSH suy giảm, nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm quý hiếm và đặc hữu bị đe dọa, khả năng điều tiết lũ lụt và hạn hán của rừng bị hạn chế. Trong bối cảnh trên, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cấp cảnh quan được coi là cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, cách tiếp cận cảnh quan trong quản lý và bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH đang là xu hướng tiếp cận ở nhiều quốc gia, được phát triển nhằm giải quyết các bài toán về quy hoạch và thiết kế hệ thống các khu bảo vệ thiên nhiên. Với tiếp cận này đóng vai trò quan trọng trọng việc tăng độ kết nối trong cảnh quan để đảm bảo dòng chảy sinh vật vận động liên tục giữa các mảnh nơi sống, ví dụ như giải pháp thiết kế các hành lang ĐDSH, đồng thời bảo vệ mối tương tác giữa các quần thể phụ, tăng động lực của toàn bộ quần thể cư trú trong một cảnh quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết chính sách, pháp luật, quy định pháp luật đối với bảo vệ cảnh quan ở Việt Nam đã được đề cập trong một số Luật và các văn bản dưới Luật. Cụ thể Luật ĐDSH năm 2008 đề cập đến các khái niệm liên quan như “cảnh quan thiên nhiên”, “khu vực tự nhiên”, “bảo vệ cảnh quan”, “cảnh quan môi trường”, “khu vực ĐDSH cao”, “cảnh quan sinh thái quan trọng”. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã có các nội dung cảnh quan thiên nhiên vào một trong các nội dung của quản lý di sản thiên nhiên. Đồng thời, nội dung quản lý cảnh quan cũng đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thực hiện Luật Quy hoạch, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ chủ trì xây dựng và trình 02 quy hoạch ngành có liên quan là quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia. Với quan điểm tiếp cận cảnh quan, các đối tượng quy hoạch được quan tâm thống nhất trong các quy hoạch này là các khu bảo tồn, hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao, cảnh quan sinh thái và vùng đất ngập nước quan trọng đảm bảo tính kết nối, hệ thống, tổng thể trong phạm vi quốc gia. Đồng thời, Quyết định của Liên hợp quốc về việc tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; Tầm nhìn đến năm 2050 của Công ước ĐDSH “Sống hài hòa với thiên nhiên” sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam triển khai thực hiện và hướng tới quản lý bền vững cảnh quan thiên nhiên, môi trường nông thôn.
Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT mong muốn các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt ngành Nông nghiệp chú trọng đẩy mạnh tiếp cận cảnh quan trong các chính sách quản lý của ngành và địa phương cùng với các tổ chức quốc tế, xem xét lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH nói riêng trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể thời gian tới.
Đề xuất phương pháp tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định quyết tâm của ngành nông nghiệp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, minh bạch và có trách nhiệm, không đánh đổi tăng trưởng bằng bất kỳ giá trị hữu hình hay vô hình, chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo ba trục Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh. Thứ trưởng cho rằng trong bối cảnh phát triển mới, với xu hướng sử dụng cách tiếp cận đa ngành, nông nghiệp tích hợp đa giá trị, tiếp cận mới về quản lý bền vững cảnh quan nông nghiệp bền vững trong sự tương tác của con người, động, thực vật và môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và hành tinh đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm, đặc biệt là Việt Nam - là một nước đang phát triển vì hai mục tiêu song song: phát triển kinh tế và bền vững. Do đó, để đạt được nông nghiệp sinh thái, hiện đại, xanh trong mối tương quan với sự phát triển và tương tác với các hoạt động khác nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan thiên nhiên bền vững, Việt Nam rất cần có những tri thức mới, những bài học về lý luận và thực tiễn tốt nhất trên thế giới.
Đồng quan điểm với chủ trương của Bộ NN&PTNT, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã nêu định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực ĐBSCL đó là “tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên; chủ động và tích cực thích ứng với BĐKH, phát hiện và phát huy lợi thế, dư địa của quá trình BĐKH tạo ra, để cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ của nền công nghiệp 4.0 biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế. Chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; xây dựng nông thôn mới hướng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng”.
Theo đó, Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với BĐKH phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững, đem lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp. Tỉnh phát huy những mô hình đa canh như lúa - tôm, lúa - cá, lúa - cá - vịt, mô hình lúa - sen; khôi phục sinh thái trên sông Tiền gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trồng cây gây rừng, bảo tồn và phát triển các khu rừng sinh thái, triển du lịch nông nghiệp gắn Đồng sen, vườn cây ăn trái, mang lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp.
Quang cảnh Diễn đàn tại Đồng Tháp
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về phương pháp tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững; tìm hiểu và chia sẻ các mô hình phát triển cảnh quan nông nghiệp bền vững trên thế giới; các thực tiễn tốt được thực hiện ở Việt Nam có thể phát triển và nhân rộng trên toàn quốc; đề xuất các giải pháp về quản lý, tài chính phù hợp cho cảnh quan nông nghiệp bền vững; hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và cơ quan chuyên môn công cụ quản lý và lập kế hoạch hành động để cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của ngành và các cam kết quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triền bền vững. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của chuyên gia, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các Bộ, ban ngành TW và Lãnh đạo địa phương thấy rõ được tính cấp thiết và nhu cầu cần cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó xây dựng tầm nhìn và đưa ra các quyết sách trong việc chuyển đổi, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững nhằm bảo vệ môi trường, duy trì, tôn tạo cảnh quan nông nghiệp bền vững.
Trường Sơn - Nguyễn Hằng