04/08/2021
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/7/2021, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.
Đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian phòng chống dịch bệnh
Theo Công văn của Bộ TN&MT, để tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19, các địa phương cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cấp bách sau:
Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai, chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch COVID-19 tại các khu vực: Nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang theo nội dung hướng dẫn tại các quyết định liên quan của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế.
Thứ ba, chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19; chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Rác thải y tếphải được xịt khử khuẩn từng thùng và dùng băng keo dán nắp trước khi vận chuyển đến nhà máy xử lý (Ảnh: VNExpress)
Thứ năm, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Nhiều địa phương tích cực thực hiện
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác thu gom, vận, chuyển, xử lý rác thải đã và đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Cụ thể:
Tại Nam Định, các huyện trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, bệnh viện đa khoa huyện; các Trung tâm y tế huyện; Trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường phối hợp, thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19. Các khu cách ly y tế tập trung của các địa phương nghiêm túc tuân thủ theo đúng quy trình từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải y tế; thực hiện phun hóa chất khử khuẩn nguồn rác và chuẩn bị phương án xử lý phù hợp, không để rác tồn đọng lâu, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của khu cách ly. Lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các công dân ở các khu cách ly liên quan đến dịch COVID-19 tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải.
Tại Bắc Giang, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác BVMT, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Các sở, cơ quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trực thuộc quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực như: Nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang…
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Tài TN&MT, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là Công văn số 1418/UBND-KT ngày 30/7/2021 gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác thu gom, phân loại và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình cách ly y tế, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo đúng quy định và các hướng dẫn đã ban hành.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở TN&MT đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố tăng cường thu gom, đảm bảo không tồn đọng chất thải trong Khu cách ly tập trung trên địa bàn. Đồng thời, bố trí nhân sự phụ trách việc quản lý chất thải tại các khu cách ly để thực hiện việc phân loại, lưu giữ theo đúng quy định; Hỗ trợ hướng dẫn nhân viên giám sát về các quy định phòng chống dịch trong quá trình thực hiện việc thu gom chất thải tại các khu cách ly; Kịp thời cập nhật danh sách các khu cách ly mới phát sinh để được nhanh chóng hỗ trợ thực hiện việc thu gom xử lý chất thải…
Tại Kon Tum, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua chất thải, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là khẩu trang đã qua sử dụng; các xã, phường, thị trấn bố trí thêm các thùng thu gom rác, hướng dẫn phân loại, bỏ rác tại các điểm công cộng (chợ, siêu thị, bến xe, cơ sở văn hóa, thể thao...) để thu gom rác thải; phân công người nhắc nhở, không để tình trạng người dân vứt rác bừa bãi nơi công cộng…
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị các đơn vị y tế tại địa phương thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế đúng theo quy định của Bộ Y tế, Bộ TN&MT, nhất là đối với các khu vực cách ly điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong thời gian điều trị và sau khi kết thúc cách ly điều trị. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Y tế tổ chức phổ biến, hướng dẫn các cơ sở y tế, khu điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và khu vực cách ly khác) xây dựng, điều chỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển lưu giữ, xử lý chất thải y tế tại các khu vực nêu trên để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian xử lý sau khi cách ly tập trung và xét nghệm trong phòng, chống dịch Covid-19 theo công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phải yêu cầu các cơ sở nêu trên tổ chức thực hiện và tăng cường giám sát công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh để bảo đảm thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYTBTNMT ngày 31/12/2015 giữa Bộ Y tế - BộTN&MT và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế tại các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế đã được Bộ TN&MT cấp phép để bảo đảm khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Bảo Bình