27/07/2021
Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường đã phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Báo cáo kết quả đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam - phân tích tác động từ các lĩnh vực kinh tế” nhằm chia sẻ các kết quả đánh giá ban đầu (do nhóm chuyên gia tư vấn Pháp của Công ty Oréade Brèche phối hợp với các chuyên gia Việt Nam thực hiện) tới các bên liên quan. Qua đó nâng cao nhận thức của các bên liên quan về những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đối với thiên nhiên và đa dạng sinh học; đồng thời hướng sự quan tâm của các lĩnh vực kinh tế tới việc cam kết sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học trong các hoạt động sản xuất.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu tài nguyên đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng về vấn đề mất đa dạng sinh học. Trong những năm qua, không ít các chính sách, chiến lược quốc gia và hàng loạt dự án, nghiên cứu đã được xây dựng và thực hiện nhằm nỗ lực chặn đứng xu thế này. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn đang không ngừng suy giảm và những nỗ lực này vẫn chưa đủ.
Báo cáo Đánh giá suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ của Sáng kiến BIODEV2030. Sáng kiến "Thúc đẩy cam kết đa dạng sin học" - BIODEV2030 do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) điều phối và được thực hiện tại Việt Nam bởi WWF-Việt Nam và Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học từ tháng 7/2020 với mục tiêu đầy tham vọng nhằm đóng góp vào tiến trình chặn đứng suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030 và phục hồi đa dạng sinh học vào năm 2050. Sáng kiến được triển khai thực hiện tại 16 quốc gia thí điểm, trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất.
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình). (Ảnh: Xuân Lâm/nhandan.vn)
Báo cáo đã chỉ ra rằng, 227 loài thực vật bậc cao có mức độ đe dọa tuyệt chủng toàn cầu được ghi nhận tại Việt Nam đang phải chịu tác động từ 12 mối đe dọa khác nhau, trong đó khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học; hoạt động sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản là những mối đe dọa lớn nhất. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản hiện đang gây tác động tiêu cực cho hơn một phần hai trong số 227 loài thực vật kể trên.
Ông Vương Quốc Chiến, Quản lý Chương trình BIODEV2030, WWF-Việt Nam cho biết: “Bản báo cáo đem lại cái nhìn tổng quan tương đối đầy đủ về đa dạng sinh học ở Việt Nam, qua sự phân tích các chỉ số đa dạng dạng về loài và đa dạng hệ sinh thái, chủ yếu ở các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên và các khu vực đa dạng sinh học quan trọng. Dù còn có những hạn chế nhất định, kết quả từ báo cáo đã cho thấy khá rõ sự suy giảm nghiêm trọng của các hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam mà ở đó có sự tác động rất lớn của các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, thủy sản…”.
Báo cáo với tham vọng chỉ ra tác động của các lĩnh vực kinh tế đối với đa dạng sinh học của Việt Nam, là nền tảng cho nghiên cứu khoa học tiếp theo nhằm đánh giá kỹ lưỡng hơn về sự tác động của hai lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và thủy sản đối với thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam. Trên cơ sở đó xây dựng mô hình cam kết tự nguyện chuyển đổi tích cực và trở thành hạt nhân của nền kinh tế tăng trưởng xanh mà Việt Nam hướng tới trong thập kỷ này, đóng góp vào mục tiêu chặn đứng xu hướng mất đa dạng sinh học sau năm 2020 và dần phục hồi thiên nhiên sau năm 2030 mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đặt ra trong Cam kết của các nhà Lãnh đạo thế giới về thiên nhiên.
Bên cạnh đó, kết quả của các nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học và tác động của các lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho các cơ quan chuyên môn và các chủ thể quản lý trong tiến trình xây dựng Dự thảo Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến 2030, tầm nhìn 2050. Các kết quả cũng sẽ được mang tới chia sẻ tại Cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD) và Hội nghị Bảo tồn thế giới IUCN.
Nam Việt