Banner trang chủ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

05/06/2024

    Ngày 4/6/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực do Bộ quản lý với các nhóm vấn đề về quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (Ảnh theo Chinhphu.vn)

Quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia

    Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đã dành sự quan tâm đến các nội dung liên quan tới việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia.

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương nêu vấn đề, hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên.

    Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu BVMT, phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, dự kiến khi Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua sẽ có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

    Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương đề nghị Bộ trưởng bổ sung thêm thông tin liên quan đến tác động của hoạt động lấn biển, đặc biệt là làm rõ hoạt động khai thác cát biển có tác động thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Nhất là vừa qua, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về vấn đề này, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển.

    Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Về khai thác cát biển, Bộ TN&MT đã nghiên cứu tại tỉnh Sóc Trăng, hiện đã đánh giá tác động khu vực đó và thấy rằng không ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Chiều sâu của thân mỏ là 7 mét và Bộ TN&MT khuyến cáo chỉ khai thác 2 mét để đảm bảo môi trường và thực hiện xa bờ khoảng 20 km.

    Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển đảo, các giải pháp chống đánh bắt thủy hải sản trái phép. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, trong Báo cáo số 124 của Bộ TN&MT có đề cập những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về những hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo và các giải pháp khắc phục để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động đánh bắt trái phép.

    Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương đã và đang phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, công tác phổ biến pháp luật biển và hải đảo cho người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền. Vừa qua, để tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đã phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước…

Đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn

    Bên cạnh nội dung quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.

    Đại biểu Đoàn Thị Hảo - Đoàn Thái Nguyên nêu vấn đề, hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.

    Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện có 6.550 hồ thủy lợi với hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn. Nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo thì cũng cần nguồn nhân lực rất lớn. Về giải pháp xử lí vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho các Bộ NN&PTNT, TN&MT, Công Thương phối hợp để điều hòa, phân phối nguồn nước, đưa ra các kịch bản nguồn ngước để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung, nếu không có các hồ thủy lợi thì sẽ hạn hán rất lớn. Do đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và an ninh nguồn nước.

    Về việc phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn Phú Yên cho biết, việc khai thác và bảo vệ nguồn nước ở lưu vực sông hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn trong việc bố trí các công trình phát triển kinh tế - xã hội dọc nguồn nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường và khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng cũng như giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát huy hiệu quả cơ chế quản lý nước theo lưu vực sông để đảm bảo tính bền vững nguồn nước.

    Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Đào An Xuân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, từ ngày 1/7, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực sẽ có nội dung Tổ chức lưu vực sông. Đây là tổ chức liên ngành do Thủ tướng thành lập, quyết định số lượng thành phần, cơ cấu tổ chức, bộ máy và kinh phí hoạt động. Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án để thành lập Tổ chức lưu vực sông trình Thủ tướng. Bộ đang dự kiến nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ tịch UBND các tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông này, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường. Nếu để tình trạng xả thải không kiểm soát từ đầu nguồn nước thì các địa phương cuối lưu vực sẽ ảnh hưởng rất lớn.

    Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ trong việc “hồi sinh” các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống lợi Bắc Hưng Hải.

    Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong Luật Tài nguyên nước đã có nội dung liên quan đến phải phục hồi các “dòng sông chết”. Hiện nay, các dòng sông như Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, sông Cầu... đang ô nhiễm nặng, còn “dòng sông chết” là dòng sông vừa ô nhiễm, vừa không có dòng chảy. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và Bộ NN&PTNT làm trạm bơm cục bộ cho mùa hạn nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ mà cần tính giải pháp căn cơ là giữ được nước và nước chảy được tự nhiên, lưu lượng lớn, như vậy sẽ thông được, điều hòa được dòng chảy này. Về vấn đề quản lý, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này.

    Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, nước thải từ đô thị làng nghề, nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Tình trạng đô thị xả thải, nông thông gánh chịu ô nhiễm? Bên cạnh đó, ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?

    Trả lời câu hỏi của đại biểu về ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy nhiều năm gần đây ô nhiễm chưa được cải thiện, đặc biệt là các sông đầu nguồn nội thành của Hà Nội. Ô nhiễm của sông Nhuệ - Đáy, nguồn thải của Hà Nội chiếm 65%, trong đó nước thải sản xuất và làng nghề toàn sông Nhuệ - Đáy có khoảng 1.982 nguồn xả thải, trong đó có 1.662 nguồn thải có cơ sở sản xuất, kinh doanh và 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bộ trưởng kiến nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao ý thức BVMT. Cùng với đó, trong thời gian tới chú trọng đầu tư công cho lĩnh vực thu gom, xử lý nước thải và hệ thống thủy lợi của Bộ NN&PTNT.

    Liên quan đến giải pháp cho tình trạng công trình thủy điện chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Lạng Sơn cho biết, hiện nay có nơi, vẫn có tình trạng công trình thủy điện chưa thực sự quan tâm, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông theo đúng quy định. Thậm chí có nơi cố tình không thực hiện, dẫn tới vấn đề nước ở hạ lưu một số công trình thủy điện cạn khô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng sinh học, cũng như sự phát triển du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ Trưởng cho biết thực trạng và giải pháp của trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và giải quyết vấn đề nêu trên.

    Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao. Bộ TN&MT đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Đẩy mạnh nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng

    Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đã làm rõ ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

    Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện.

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ TN&MT ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.

    Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi. Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

    Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản, sau 13 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép. Bộ trưởng cho biết, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động. Bởi khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối. Vì vậy, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, Bộ TN&MT tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế.

    Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội Tuyên Quang về việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc dự trữ khoáng sản quan trọng, thiết yếu chính là đảm bảo an ninh quốc gia. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 48 khu vực với 10 loại khoáng sản quan trọng cần dự trữ cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong Nghị định số 51 về quản lý khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, ngoài quy định đầu tư thực hiện diện tích khu vực dự trữ khoáng sản, còn quy định tiêu chí để khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, với các khoáng sản, chúng ta không thể khai thác hết cùng lúc, mà có những khu vực khoanh vùng để dự trữ, đảm bảo cho sự phát triển dự trữ quốc gia, đảm bảo yêu cầu và việc sử dụng khoáng sản. Đồng thời nhấn mạnh việc cân đối giữa các dự trữ khoáng sản quốc gia đối với các khoáng sản chiến lược quan trọng là mục tiêu của chiến lược và đã được Chính phủ ban hành.

    Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tổ chức thực hiện vấn đề này, khoanh vùng các khu vực dự trữ khoáng sản theo quy định. Theo Bộ trưởng, muốn có dự trữ khoáng sản, chúng ta phải điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản thiết yếu, quan trọng, tuy nhiên nguồn lực cho vấn đề này còn thiếu. Thủ tướng sẽ quyết định phân kì theo lộ trình, khai thác và chế biến như thế nào, khu vực nào được dự trữ. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn có thêm nguồn lực cho vấn đề này. Bộ TN&MT phối hợp với các bộ ngành địa phương, căn cứ vào định hướng chiến lược các ngành, căn cứ vào nhu cầu, báo cáo Thủ tướng để khoanh vùng khoáng sản trong thời gian tới.

    Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên về công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương. Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này. Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Quang cảnh phiên chất vấn (Ảnh theo Chinhphu.vn)

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực

    Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN&MT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, quản lý tài nguyên, BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.

    Phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến chất vấn, tranh luận; phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, mỗi đại biểu chỉ nêu 1 vấn đề nên rất thuận lợi trong điều hành và trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

    Mặc dù công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:

    Một là, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

    Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

    Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án luật địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV...

    Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đưa vào dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi thông qua tại cuối Kỳ họp.

Hương Mai

Ý kiến của bạn