07/06/2019
Ngày 6/7/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg và Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường; lãnh đạo Sở TN&MT, Kế Hoạch và Đầu tư các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Giang; Viện nghiên cứu và các chuyên gia lĩnh vực môi trường…
Theo số liệu thống kê năm 2010, cả nước có 1.153 điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên địa bàn 39 tỉnh/TP, trong đó có 846 khu vực bị ô nhiễm và 289 kho lưu trữ hóa chất BVTV tồn lưu. Phần lớn các khu vực ô nhiễm nằm lẫn trong khu dân cư hay đất ruộng đang canh tác.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội thảo
Các loại hóa chất BVTV tồn lưu chủ yếu là các loại hóa chất độc hại và khó phân huỷ trong môi trường như: DDT, Lindan, Endrin, Wofatox, Ethyl Parathion, Falisan, Ceresan… đều có cấu trúc phân tử ổn định về mặt hoá học, có tính chất bền vững trong môi trường và có khả năng tích luỹ sinh học cao trong cơ thể con người và động vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe con người và môi trường.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, Chính phủ đã có các chủ trương, chính sách nhằm BVMT và sức khỏe cộng đồng. Hệ thống chính sách, thể chế đã từng bước được hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác bảo vệ sức khoẻ, cải thiện môi trường sống của cộng đồng, cụ thể như Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày về kế hoạch phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước; Quyết định số 1206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015; Quyết định số 807/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cũng xây dựng các hướng dẫn thực hiện, triển khai các Chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy hoạt động xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có không ít những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện. Kết quả xử lý các điểm ô nhiễm còn thấp so với kế hoạch đề ra, tình hình triển khai bố trí vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương cho công tác xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường còn chưa đạt tiến độ. Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hoá chất BVTV tồn lưu, trong thời gian tới, cần quan tâm đến việc thực hiện điều tra, đánh giá, lập phương án, dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu; các vấn đề liên quan đến quy chuẩn, công nghệ, quy trình tổ chức và thực hiện các dự án xử lý…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu theo Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quá trình triển khai Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu; công nghệ hữu hiệu để xử lý tồn lưu thuốc BVTV… nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững của đất nước.
Hồng Nhung